Công đoàn cơ sở - cầu nối vững chắc của người lao động với doanh nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 09:41, 01/12/2024

(BKTO) - Đảm bảo các chế độ phúc lợi cho công nhân; trích quỹ đất để xây dựng trường học cho con em công nhân… đây là những cách làm hay, hướng về người lao động đang được nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) triển khai, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nâng cao vai trò của CĐCS trong hệ thống công đoàn các cấp.
8.jpg
Công đoàn cơ sở - cầu nối vững chắc của công nhân với doanh nghiệp

Xây trường học cho con em công nhân

Nhận thức rõ việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động là nhiệm vụ vô cùng quan trọng quyết định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, CĐCS Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn (tỉnh Cà Mau) luôn dành sự quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Không chỉ bảo đảm việc làm, thu nhập, các chế độ chính sách, CĐCS Công ty còn có chế độ phúc lợi riêng cho người lao động như hỗ trợ nhà ở giá rẻ, bữa cơm trưa giữa ca. Đáng chú ý, Công ty còn dành phần đất để xây dựng trường mầm non cho con em công nhân viên và người dân sinh sống trong khu vực lân cận vào học…

Câu chuyện của CĐCS Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn giờ đây không còn hiếm gặp, khi nhiều CĐCS đã và đang có những hoạt động hỗ trợ thiết thực dành cho công nhân viên, tạo sự an tâm cho công nhân viên lao động, thi đua sản xuất.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐCS giữ vai trò quan trọng đối với người lao động, là một tổ chức không thể thiếu để đứng giữa mối quan hệ của người lao động và người sử dụng lao động. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, hài hòa mối quan hệ này để cùng phát triển, giữ ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thực tế, CĐCS nào có nội dung sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn, thì công đoàn nơi đó có phong trào sôi nổi, phong phú; tinh thần dân chủ được phát huy, tinh thần đoàn kết nội bộ được giữ vững. Ngược lại, những CĐCS tổ chức sinh hoạt qua loa đại khái, ở những nơi đó hoạt động công đoàn mờ nhạt, kém hiệu quả, vị thế của tổ chức công đoàn tại đơn vị không cao.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ người lao động khó khăn để hỗ trợ người lao động cải thiện cuộc sống; hàng năm mở rộng và nâng cao chất lượng Chương trình “Tết sum vầy”, hoạt động “Tháng Công nhân” nhằm thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại “Doanh nghiệp vì người lao động, người lao động vì doanh nghiệp”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”...

CĐCS tại các doanh nghiệp ngày càng phát huy vai trò tổ chức công đoàn, quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên; tiền lương, môi trường lao động được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người lao động.

Kịp thời tháo “ngòi nổ” mâu thuẫn giữa người lao động với doanh nghiệp

Thực tiễn cho thấy, CĐCS không chỉ là nơi để sinh hoạt mà còn là nơi giải quyết những khúc mắc của người lao động với doanh nghiệp, như tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc tổ chức bữa ăn ca, chế độ phúc lợi cho người lao động; về môi trường và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động; hệ thống bảo hộ sức khỏe và trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động theo đúng công việc cho người lao động.

Qua đánh giá hàng năm cho thấy, tổ chức CĐCS đã tích cực, chủ động phối hợp chuyên môn, chủ doanh nghiệp thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, đôn đốc doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng chương trình định kỳ khám sức khỏe hàng năm cho người lao động; là nơi giải quyết những khúc mắc của người lao động với doanh nghiệp và tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc bảo đảm các lợi ích chính đáng của người lao động, tạo niềm tin, sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động.

dnvnld_1-2048x1428.jpg
Năm thứ 5 liên tiếp TEDI được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động”

Vừa qua, Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) vinh dự là một trong 67 doanh nghiệp được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2024 và là một trong 10 doanh nghiệp được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Để đáp ứng được các tiêu chí đánh giá của Ban tổ chức, TEDI đã không ngừng phấn đấu và hoàn thiện các chính sách, chế độ liên quan đến người lao động với mục tiêu “tất cả vì người lao động”. Với TEDI, tài sản lớn nhất chính là người lao động, là đội ngũ kỹ sư chuyên gia chất lượng cao, có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm và mang đầy đủ phẩm chất của người kỹ sư tư vấn “Độc lập – Sáng tạo – Trung thực – Trách nhiệm”.

Trong những năm qua, công đoàn đã giúp đỡ người lao động trong hoạt động ký kết hợp đồng lao động, tư vấn cho người lao động biết quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng mà họ ký kết, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 2.000 CĐCS, trong đó có hơn 700 CĐCS doanh nghiệp với trên 260.000 đoàn viên công đoàn. 

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã không ngừng chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, hạn chế tranh chấp lao động dẫn tới ngừng việc tập thể, đình công, bảo đảm ổn định trật tự xã hội, góp phần tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, CĐCS tham gia hỗ trợ khi doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại lao động, nhân sự hoặc cải tiến đầu tư, công nghệ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phản ảnh ý kiến động viên, khuyến khích người lao động tự giác, có ý thức trong lao động, sản xuất. Qua đó giúp doanh nghiệp trong việc sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực, cũng như chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

mg-985020241126152045.jpg
LĐLĐ tỉnh Quảng Bình trao quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn. Ảnh ST

Đồng thời, CĐCS hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể; trong trường hợp xảy ra tranh chấp như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động… CĐCS sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của người lao động với người sử dụng lao động.

Có thể nói, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống Công đoàn, CĐCS đã phát huy hiệu quả, nhất là trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đồng thời, CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thực hiện các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động./.

N.LỘC