Tăng trưởng xanh: Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới Net Zero 2050

Kinh tế - Ngày đăng : 22:49, 30/11/2024

(BKTO) - Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược và là lựa chọn tất yếu để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Hơn thế, tăng trưởng xanh còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
1(5).jpeg
Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: ST

Từ định hướng chiến lược của Chính phủ đến sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp

Thông tin tại Tọa đàm: “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu”, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ông Lê Việt Anh - cho biết, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp xanh trong mọi lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có các chính sách ưu đãi tài chính và phi tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình này như ưu đãi thuế, tiếp cận tài chính và các quy định về lãi suất… để thực hiện các dự án phát triển bền vững.

Từ định hướng của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành và sáng tạo của trong việc phát triển các mô hình kinh doanh xanh và xây dựng một chiến lược phát triển bền vững lâu dài, hướng tới một tương lai xanh và thịnh vượng cho đất nước.

Đơn cử từ phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam - ông Binu Jacob - cho biết, Nestlé luôn đặt vấn đề phát triển bền vững ở tầm quan trọng, ưu tiên cao. Một trong những sáng kiến đáng chú ý của Nestlé là bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Đối với cà phê - ngành hàng mà Nestlé hoạt động mạnh nhất, Nestlé luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững.

“Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40-60% lượng nước tưới. Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy. Hiện nay, Nestlé thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa hoàn trả và tái tạo 100% nước đã đưa vào sử dụng. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Nestlé cam kết phát triển bao bì bền vững với gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam được thiết kế để có thể tái chế… Những hoạt động này không chỉ giúp Nestlé giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào quá trình phát triển bền vững” - ông Binu Jacob nhấn mạnh.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - ông Nguyễn Hùng Nam - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hưng Yên đã chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên đã triển khai các dự án hạ tầng quan trọng như hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp, đồng thời đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như cấp nước, cấp điện và nhà ở xã hội cho công nhân. Các chương trình bảo vệ môi trường cũng được thực hiện như Đề án phát triển nông nghiệp bền vững và giảm phát thải khí nhà kính…

“Những kết quả này đã giúp Hưng Yên không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà còn bảo vệ được môi trường, đồng thời đóng góp vào mục tiêu chung của Việt Nam trong việc đạt được các cam kết về tăng trưởng xanh” - ông Nguyễn Hùng Nam nhấn mạnh.

2(1).jpeg
Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan tỏa để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo. Ảnh minh họa

Hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển nguồn nhân lực

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, giới chuyên gia cho rằng, tiến trình tăng trưởng bền vững và tăng trưởng xanh hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, thách thức. Trong đó, các doanh nghiệp chưa thể xác định được mình sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi nào. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mà còn làm giảm động lực của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bền vững và xanh. Chưa kể, việc thay đổi dây chuyền công nghệ hay đầu tư vào công nghệ xanh có thể tốn kém rất nhiều chi phí. Sự thiếu hụt các nguồn tài chính hỗ trợ cho chuyển đổi xanh cũng là một yếu tố cản trở lớn…

Đề cập các giải pháp trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng, trước hết phải cải thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực để có thể triển khai việc phát triển bền vững, phát triển xanh. Thứ ba, cần xây dựng những sáng kiến, mô hình ở địa phương bởi những mô hình tăng trưởng bền vững, mô hình tăng trưởng xanh chúng ta thấy trên thế giới cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương chứ không phải bê nguyên mẫu để áp dụng.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - ông Quách Quang Đông - nhấn mạnh: Cơ chế, chính sách cần có những nhận định, phân tích, đánh giá, đồng thời phải có sự ghi nhận, cổ vũ và hỗ trợ để tăng cường nhận thức và định hướng cho việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, hướng tới hàng hóa, dịch vụ xanh, sạch. Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan tỏa để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương” - ông Quách Quang Đông đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Anh cũng khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ trong thời gian tới là hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hệ thống phân loại xanh quốc gia. Đây là công cụ quan trọng để xác định các tiêu chí và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư xanh.

Theo ông Lê Việt Anh, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo rõ ràng về việc xây dựng hệ thống này. Hiện nay, các bộ ngành, cơ quan liên quan đang phối hợp để xây dựng hệ thống phân loại xanh đạt chuẩn mực quốc tế, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt để cập nhật công nghệ mới và các mô hình kinh doanh xanh.

“Chúng tôi cam kết hệ thống này sẽ tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp và rõ ràng nhất đối với các doanh nghiệp, để doanh nghiệp biết mình cần phải đáp ứng điều kiện gì và sẽ được những ưu đãi, khuyến khích gì trong cơ chế, chính sách quốc gia. Hệ thống phân loại xanh này cũng sẽ đảm bảo được tính tiến bộ và có thể linh hoạt thay đổi hoặc bổ sung” - ông Lê Việt Anh nhấn mạnh./.

Các FTA mà Việt Nam hiện đang tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh về giá trong khi vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh không chỉ là một xu thế mà còn là một yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam có thể hội nhập và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu.

Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

HỒNG NHUNG