Ấn Độ: Đối mặt những thách thức trong hoạt động kiểm toán năng lượng

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 13:52, 03/12/2024

(BKTO) - Tập đoàn Tư vấn Elion - đối tác của các cơ quan chính phủ, công ty đại chúng và doanh nghiệp tại Ấn Độ vừa qua chia sẻ những thông tin quan trọng về hoạt động kiểm toán năng lượng trong ngành sản xuất.

Kiểm toán năng lượng đóng vai trò quan trọng

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và dân số, Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đạt giá trị tới 10.000 tỷ USD trong thập kỷ này. Để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, Ấn Độ đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tăng cường cơ sở hạ tầng lưới điện, đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo, lên khoảng 500 gigawatt (GW) vào năm 2030. Ấn Độ cũng tập trung vào các công nghệ phát thải thấp nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.

ad.png
Ấn Độ là nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ 3 thế giới. Ảnh: ST

Kiểm toán năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu tác động tới môi trường, giúp các ngành công nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, cắt giảm chi phí và cải thiện tính bền vững. Hiểu toàn diện về mức độ sử dụng năng lượng, các nhà sản xuất có thể đưa ra quyết định sáng suốt về các biện pháp đầu tư hiệu quả.

Tập đoàn Elion cho rằng, trong lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ, kiểm toán năng lượng là hoạt động thiết yếu để xác định các mô hình tiêu thụ năng lượng, tình trạng thiếu hiệu quả và các lĩnh vực cần cải thiện. Hoạt động kiểm toán giúp phân tích, đánh giá mức tiêu thụ, đưa ra các biện pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, hướng tới tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Kiểm toán năng lượng trong ngành sản xuất cung cấp kiến thức có giá trị về các mô hình tiêu thụ năng lượng, tình trạng thiếu hiệu quả, các lĩnh vực tiềm năng cần cải thiện và tiềm năng đầu tư vào các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, đầu tư vào các công nghệ hiện đại như đèn LED, động cơ điện hiệu suất cao, hệ thống điều khiển tiên tiến…, các nhà sản xuất có thể tiết kiệm năng lượng đáng kể và đạt được lợi ích về chi phí trong dài hạn.

Kiểm toán năng lượng cũng giúp xác định cơ hội để tối ưu hóa quy trình, cải thiện lịch trình sản xuất hoặc triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng; giúp xác định tính khả thi của việc tích hợp công nghệ năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất, cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về khả năng tiết kiệm chi phí và lợi ích về môi trường.

Ngoài ra, kiểm toán năng lượng còn có tác động tích cực đến tính bền vững của môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp hiệu quả được kiến nghị thông qua các cuộc kiểm toán, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm mức tiêu thụ tài nguyên và cải thiện hiệu quả hoạt động. Tác động của kiểm toán năng lượng đối với việc giảm chi phí và tính bền vững của môi trường là rất quan trọng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.

Những thách thức cần được giải quyết

Elion chỉ ra rằng, kiểm toán năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành sản xuất của Ấn Độ. Tuy nhiên, một trở ngại đáng kể là các doanh nghiệp thiếu nhận thức và hiểu biết về lợi ích của kiểm toán năng lượng; chưa nhận ra những lợi ích như tiết kiệm chi phí, cải thiện hoạt động khi tiến hành kiểm toán năng lượng.

Để giải quyết thách thức này, điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiểm toán năng lượng và đào tạo, truyền thông về những lợi ích cho các doanh nghiệp. Điều này có thể đạt được thông qua các chiến dịch, hội thảo, chương trình đào tạo với mục tiêu nêu bật những lợi ích của kiểm toán năng lượng và khuyến khích các doanh nghiệp hành động.

Ấn Độ, nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ 3 thế giới, dự kiến sẽ phát triển công suất năng lượng tái tạo cao kỷ lục 35 GW vào mạng lưới điện quốc gia tính đến cuối quý I/2025. Động thái này giúp quốc gia đạt mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030.

Một thách thức đáng kể khác trong việc tiến hành kiểm toán năng lượng là việc thiếu các kiểm toán viên có trình độ; thiếu các chuyên gia có chuyên môn và kiến thức để tiến hành đánh giá kỹ lưỡng các hệ thống và quy trình năng lượng trong các cơ sở sản xuất.

Để vượt qua thách thức này, điều quan trọng là phải đầu tư vào các chương trình đào tạo và các sáng kiến xây dựng năng lực để phát triển lực lượng kiểm toán viên. Bằng cách nâng cao số lượng, chất lượng các chuyên gia có trình độ, doanh nghiệp có thể tiếp cận được với chuyên môn cần thiết để tiến hành kiểm toán năng lượng toàn diện và xác định các cơ hội cải tiến.

Tương lai kiểm toán năng lượng trong lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ được quyết định bởi các xu hướng mới nổi. Một số xu hướng chính là tích hợp các công nghệ tiên tiến vào quy trình kiểm toán năng lượng; tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững toàn diện, bao gồm nâng cao công tác quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội và khả năng kinh tế.

Tóm lại, kiểm toán năng lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành sản xuất của Ấn Độ. Bằng cách giải quyết thách thức và nắm bắt các xu hướng mới, tương lai của kiểm toán năng lượng trong ngành sản xuất hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giảm chi phí và quản lý môi trường hiệu quả hơn./.

(Theo Elion và tổng hợp)

Yến Nhi