Dữ liệu lớn và những cơ hội, thách thức đối với hoạt động kiểm toán
Kiểm toán - Ngày đăng : 13:54, 03/12/2024
Thực hiện Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng năm 2024 của KTNN, từ ngày 11/11 đến ngày 13/12/2024, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức Lớp Bồi dưỡng chuyên môn ngạch Kiểm toán viên cao cấp cho 36 học viên là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị trực thuộc KTNN. Chương trình bồi dưỡng chuyên môn ngạch Kiểm toán viên cao cấp là chương trình đào tạo riêng, đặc thù, nhằm nâng cao vai trò, trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị trực thuộc KTNN.
Chương trình bồi dưỡng có tổng thời gian đào tạo 200 tiết, gồm 12 chuyên đề, trong đó, Chuyên đề báo cáo "Chiến lược phát triển công nghệ của KTNN đến năm 2030 - thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ hiệu quả hoạt động kiếm toán của KTNN" do các chuyên gia: GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng KTNN, Chủ tịch VAA, TS. Lê Anh Vũ - KTNN chuyên ngành VII, TS. Vũ Thị Hương Liên - Học viện Tài chính, ông Trần Minh Quân - PwC Việt Nam, bà Đoàn Ngọc Diễm - KPMG giảng ngày 03/12/2024.
Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trải qua 4 quá trình: CNTT đóng vai trò là công cụ hỗ trợ - tin học hóa; CNTT đóng vai trò là phương tiện quan trọng - số hóa thông tin; CNTT đóng vai trò quản lý và kiểm soát - số hóa tổ chức; Chuyển đổi số và dữ liệu lớn.
Xét theo 4 giai đoạn này, KTNN đang dừng ở giai đoạn CNTT đóng vai trò là phương tiện quan trọng, số hóa thông tin và từng bước chuyển sang số hóa tổ chức. Hiện nay, KTNN đã số hóa các văn bản, hồ sơ kiểm toán nhưng chưa hoàn thiện số hóa tổ chức, khá chậm so với thế giới và cả trong nước khi Chính phủ đang thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Công nghệ tác động lớn đến hoạt động kiểm toán, làm thay đổi quy trình và phương pháp kiểm toán. Trong đó, ở giai đoạn chuyển đổi số, phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn ra đời. Quan trọng hơn nữa, dữ liệu lớn là nguồn tài nguyên quý trong thời đại số.
Số hóa có đặc trưng là tích hợp công nghệ rất nhiều, linh hoạt và nhanh. Để kiểm toán dựa trên dữ liệu, số hóa, cần xác định phạm vi/ lĩnh vực kiểm toán, dữ liệu nào cần kiểm toán, lập kế hoạch, phân tích rủi ro, tổ chức kiểm toán, thu thập dữ liệu, truy cập hệ thống, sử dụng công cụ tự động hóa, phân tích dữ liệu, kiểm tra tính chính xác, phân tích rủi ro, đánh giá và so sánh, lập báo cáo, theo dõi thực hiện… Quá trình này liên tục cải tiến, vì vậy, nếu không cập nhật và học hỏi, hoạt động kiểm toán trở nên lạc hậu, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao đã áp dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; tích hợp nhiều công cụ, phần mềm chuyên dụng; đào tạo kiểm toán viên; hợp tác với các công ty công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa trong hoạt động kiểm toán. Đây là một thách thức lớn đối với KTNN Việt Nam. Thực tế, Cục CNTT chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, KTNN cần hợp tác với các hãng công nghệ để có giải pháp về chuyên môn. Ngoài ra, đối với CNTT, KTNN cần phải chú trọng bảo mật, quy trình kiểm toán linh hoạt và đánh giá cải tiến liên tục.
Xu hướng kiểm toán trên thế giới là kiểm toán toàn diện thay vì chỉ kiểm toán chọn mẫu, do vậy, kiểm toán phải dựa trên phân tích dữ liệu, tự động hóa quy trình, tăng cường tính tin cậy, chính xác, phát hiện gian lận, tối ưu hóa tài nguyên, đổi mới phương pháp kiểm toán, mô hình kiểm toán linh hoạt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy (ML). KTNN Việt Nam cũng đang tiến tới kiểm toán toàn diện, tuy nhiên, để thực hiện được cần phải tính đến chi phí, nguồn lực.
Tại buổi học, các chuyên gia đã có những chia sẻ về kiểm toán dữ liệu lớn, khai thác dữ liệu, các phương pháp kiểm toán và công cụ hỗ trợ hoạt động kiểm toán, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kiểm toán…
Chương trình bồi dưỡng chuyên môn ngạch Kiểm toán viên cao cấp diễn ra từ ngày 11/11 đến ngày 13/12/2024, có tổng thời gian đào tạo là 200 tiết, gồm 12 chuyên đề: Địa vị pháp lý, vai trò, tổ chức và hoạt động của cơ quan kiểm toán tối cao; Hệ thống chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI và vận dụng trong hoạt động kiểm toán của KTNN;
Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và vai trò của KTNN; Quản lý tài chính công, tài sản công và vai trò của KTNN; Tài chính công và kiểm toán tài chính công ở Việt Nam: Thực trạng và phương hướng;
Xây dựng và quản trị Chiến lược phát triển KTNN; Chiến lược phát triển công nghệ cao của KTNN đến năm 2030 - thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ hiệu quả hoạt động hoạt động kiểm toán của KTNN; Tổ chức triển khai và ứng dụng công nghệ trong hoạt động KTNN;
Xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch công tác và kế hoạch kiểm toán năm; Kỹ năng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Tổ chức, quản lý và kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN; Tổ chức và quản lý kiểm toán theo lĩnh vực và loại hình kiểm toán. Kết thúc khóa học, các học viên viết và bảo vệ đề án cuối khóa.