Đông Nam Bộ khẳng định vai trò cực tăng trưởng của cả nước

Kinh tế - Ngày đăng : 17:04, 04/12/2024

(BKTO) - Chia sẻ về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại vùng Đông Nam Bộ năm 2024 và giải pháp tạo động lực mới cho xuất khẩu công nghiệp của Vùng năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển.
dnb.jpg
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển. Ảnh minh họa

Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao đổi tại Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025: "Thách thức, cơ hội và giải pháp".

Theo Bộ trưởng Công Thương, vùng Đông Nam Bộ có mạng lưới giao thông kết nối trong nước, quốc tế với đủ 5 phương thức vận tải và là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam cũng như cả nước với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế thuận lợi, đóng vai trò “đầu mối” giao lưu, hội nhập quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển các loại hình dịch vụ logistic lớn nhất cả nước.

Những năm qua, kinh tế của Vùng phát triển khá nhanh, đóng góp lớn nhất so với các vùng kinh tế khác về tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước; trong đó, công nghiệp và thương mại, dịch vụ được xác định là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Vùng.

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đóng góp tới 42% tổng thu ngân sách nhà nước và gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định vai trò cực tăng trưởng của cả nước.

Trong 10 tháng năm 2024, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại vùng Đông Nam Bộ tiếp tục đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp Vùng duy trì mức tăng trưởng khá cao (9,3%), cao hơn mức tăng chung của cả nước (8,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,7% so với cùng kỳ, vượt 4,8% mức tăng bình quân cả nước (8,5%).

Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trong đó, hầu hết các địa phương trong Vùng đều có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD); xuất siêu đạt 4,2 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng thặng dư thương mại của cả nước (23,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, quá trình đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị của ngành công thương trong Vùng còn chậm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa tạo được đột phá; hạ tầng phục vụ xuất khẩu như dịch vụ logistics, kho, cảng… còn hạn chế, làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.

Để tạo động lực mới, giúp các địa phương trong Vùng có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, cần tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách cụ thể, đủ mạnh và khả thi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Mỗi địa phương trong Vùng cần chủ động rà soát, cập nhật và nếu cần thiết, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung Quy hoạch, Quy hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với QH cấp tỉnh để có đủ cơ sở pháp lý và các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.

1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: CT

Thêm nữa, Vùng cần làm tốt công tác quán triệt và triển khai sớm, hiệu quả các chủ trương, chính sách mới, có tính đột phá của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025), nhất là các cơ chế đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh, trong đó có việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế, cũng như các Luật, cơ chế, chính sách mới được ban hành.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động tối đa nguồn nội lực, kết hợp hài hoà với ngoại lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng logistics nhằm nâng cao khả năng kết nối về hạ tầng nội vùng, liên vùng.

Các địa phương trong Vùng cần chủ động tạo quỹ đất sạch và huy động hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất theo quy hoạch để thúc đẩy phát triển thực chất các hành lang công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao; Sớm hình thành, phát triển Hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - thương mại, dịch vụ trong bán kính trên/dưới 100km so với điểm nút giao thông trọng yếu của Vùng; đặc biệt, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt, phát huy thế mạnh công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu; phát triển tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo...

Chú trọng khai thác vị trí địa chiến lược và lợi thế đặc thù về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Vùng với 5 phương thức vận tải thuận lợi (gồm cả đường biển - hàng không - đường sắt - đường thủy nội địa - đường bộ) để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại (gắn với cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc-Nam, Đông -Tây, đường sắt tốc độ cao trong tương lai…) nhằm giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn hàng, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Về thu hút đầu tư, Vùng cần ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như công nghệ AI; sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia có năng lực công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị. Tạo lập cơ chế khuyến khích và ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.

Về phát triển thương mại, thúc đẩy xuất khẩu cần gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm bền vững, tập trung hoàn thiện hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại; chú trọng phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới… - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở.

PHÚC KHANG