Bảo đảm quyền của DN trong nước khi hội nhập về đầu tư

Đầu tư - Ngày đăng : 13:00, 03/11/2016

(BKTO) - Kết quả rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật từ góc độ lợi ích DNViệt Nam đã được Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệpViệt Nam (VCCI) công bố tại Hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các camkết TPP về đầu tư” vừa tổ chức tại Hà Nội.


Pháp luật phần lớn đã tương thích với cam kết

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết 2 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong đó, TPP là một liên kết kinh tế gồm 12 quốc gia thành viên, có quy mô 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Còn EVFTA dự kiến sẽ giúp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 21%/năm, tương đương 85 tỷ USD vào năm 2020 và 220 tỷ USD vào năm 2025…

Những điều khoản trong TPP về đối xử giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nội địa sẽ có những tác động không nhỏ tới DN tư nhân của Việt Nam Ảnh: TS
Đánh giá tầm quan trọng của việc chuẩn bị và thực thi các hiệp định này, ông Phạm Mạnh Dũng - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Rajah&Tann LCT Lawyers - cho rằng, việc xem xét các cam kết trong Hiệp định vừa là yêu cầu của việc thực thi Hiệp định, vừa là yêu cầu tự thân của việc hoàn thiện pháp luật.

Đứng từ góc nhìn của cộng đồng DN, nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành rà soát về pháp luật Việt Nam và các quy định liên quan tới đầu tư trong Chương IX của TPP và Chương II của EVFTA, bao gồm khoảng 50 nhóm vấn đề và rà soát khoảng 20 luật, các văn bản dưới luật.

Trình bày kết quả rà soát sơ bộ, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, pháp luật Việt Nam đã tương thích với phần lớn cam kết về đầu tư, đặc biệt là các nguyên tắc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản, các chuẩn đối xử tối thiểu, nhân sự cấp cao… Tuy vậy, khi đề cập đến những vấn đề mà pháp luật Việt Nam mới tương thích một phần với các cam kết, nhất là trong cam kết TPP, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - đã chỉ ra một số điểm quan trọng cần lưu ý.

Trong Chương Đầu tư của TPP, Việt Nam cũng như các nước khác có Nhóm cam kết liên quan đến Mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư TPP. Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, có một số nguyên tắc đáng lưu ý, gồm: nguyên tắc “Đối xử quốc gia” - không được đối xử với nhà đầu tư TPP kém thuận lợi hơn các nhà đầu tư của Việt Nam trong tất cả các bước của quá trình đầu tư; nguyên tắc “Không được phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư TPP so với bất kỳ nhà đầu tư đến từ quốc gia nào khác”; nguyên tắc “Không được đặt ra yêu cầu can thiệp vào quá trình kinh doanh của nhà đầu tư TPP và liên quan đến nhân sự trong DN của nhà đầu tư TPP ở Việt Nam”...

Ngoài ra, còn có Nhóm nguyên tắc Bảo hộ tài sản và quyền tự chủ của nhà đầu tư TPP ở Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam phải bồi thường như thế nào khi tước quyền của nhà đầu tư; nhà đầu tư TPP muốn chuyển tiền, tài sản của họ ra nước ngoài thì phải thực hiện như thế nào… Những nguyên tắc này sẽ tác động đến môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới khi những thay đổi, cải tiến cho phù hợp với cam kết.

Đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước

Các nhà nghiên cứu cho rằng, điểm Việt Nam cần quan tâm nhất là cam kết không được đối xử với các nhà đầu tư TPP kém thuận lợi hơn các nhà đầu tư trong nước, nhưng hoàn toàn lại không ngăn cản các cơ quan nhà nước của Việt Nam đối xử với các nhà đầu tư TPP thuận lợi hơn các nhà đầu tư trong nước. Câu chuyện đặt ra là liệu trong tương lai, vì mục tiêu thu hút đầu tư từ TPP mà đâu đó có thể dành sự đối xử với nhà đầu tư TPP tốt hơn so với nhà đầu tư trong nước hay không? Bà Trang nhấn mạnh: “Câu trả lời khó có thể chắc chắn, nhưng đây cũng là vấn đề được đặt ra cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam”.

Đưa ra kiến nghị sau rà soát, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, kết quả rà soát không chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư TPP mà rất có ý nghĩa đối với những nhà đầu tư Việt Nam có hoạt động hợp tác, liên doanh với nhà đầu tư TPP để biết được quyền của mình và tận dụng quyền của mình. Đối với những nhà đầu tư thuần túy trong nước cũng cần quan tâm đến những vấn đề này và xem xét DN có cần cùng lên tiếng để có được các chính sách đối xử cho các nhà đầu tư trong nước tương tự như chính sách đối xử mà Việt Nam hứa dành cho các nhà đầu tư TPP.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, điểm hạn chế của rà soát này là chỉ nhìn trên góc độ pháp luật hiện hành nên sẽ không nhìn thấy được tương lai. Vì vậy, các nhà nghiên cứu kiến nghị, đối với những trường hợp pháp luật đã tuân thủ TPP thì Việt Nam không phải sửa đổi nữa; đối với những trường hợp pháp luật chưa tuân thủ thì Việt Nam có thể áp dụng trực tiếp cam kết, hoặc có một văn bản thực thi cam kết TPP về đầu tư chỉ dành riêng cho đối tượng nhà đầu tư TPP.

Bên cạnh đó, có những trường hợp, Việt Nam chỉ cam kết trong TPP nhưng nếu áp dụng chung sẽ có lợi cho nhà đầu tư trong nước, ví dụ như cam kết liên quan đến yêu cầu hoạt động của nhà đầu tư; cam kết liên quan đến bồi thường… Vì thế, Trung tâm WTO và Hội nhập đang tiếp tục nghiên cứu nhằm kiến nghị sửa đổi pháp luật chung để có thể nâng quyền của các nhà đầu tư trong nước lên bằng những gì mà Việt Nam cam kết dành cho các nhà đầu tư TTP.

H.THOAN