Hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về logistics
Kinh tế - Ngày đăng : 18:12, 04/12/2024
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do: Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistic” vừa diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hoá tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn.
Hiện, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ (chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu); kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Quy mô thị trường dịch vụ logistic Việt Nam khoảng 40-42 tỷ USD, tương đương 10% GDP và 5% kim ngạch xuất nhập khẩu, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá mạnh, bình quân 14-16%/năm, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của ngành dịch vụ logistics thế giới.
Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 trong khu vực về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.
Ngoài ra, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
Trao đổi về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại.
Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.
Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại.
Thực hiện vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do, nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những nút thắt, vướng mắc, bất cập để ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững, thực sự trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.