Quản lý nợ công hiệu quả giúp tăng uy tín tài chính quốc gia
Kinh tế - Ngày đăng : 10:22, 05/12/2024
Nợ công giảm, được kiểm soát chặt chẽ
Theo Luật Quản lý nợ công năm 2017, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương; được hiểu là các khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, Chính phủ, khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh và khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh vay.
Chính phủ là một bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn vốn và giảm thiểu rủi ro tài chính cho nền kinh tế. Quá trình này đòi hỏi phải xem xét lại cấu trúc của nợ công, bao gồm cả thời hạn, lãi suất và hình thức vay nợ, nhằm bảo đảm tính bền vững và khả năng thanh toán trong dài hạn.
Vụ Tổng hợp (KTNN
Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, Chính phủ vay nợ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, các cơ sở công cộng khác…, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là biện pháp khả thi để bảo đảm các dự án được thực hiện mà không làm gián đoạn các khoản chi tiêu công khác, bởi các dự án này thường cần đến chi phí đầu tư rất lớn, vượt quá nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn.
Từ năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới phải đối diện với nhiều yếu tố bất định cả về chính trị, kinh tế, xã hội, thảm họa thiên tai và dịch bệnh. Tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, trong khi vẫn phải tăng chi ngân sách để ứng phó dịch bệnh và kích thích kinh tế; điều này dẫn đến mất cân đối ngân sách, nợ công tăng nhanh. Cùng với việc phải dành nguồn lực để chống đỡ và phục hồi kinh tế, nhiều quốc gia phải đối diện với gánh nặng kép trong việc đáp ứng các nghĩa vụ về tài chính để trả nợ trong dài hạn. Theo nhận định của Vụ Tổng hợp - Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp và liên kết chặt chẽ, việc quản lý nợ công hiệu quả giúp tăng cường uy tín tài chính của quốc gia trên thị trường quốc tế.
Kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, tính đến 31/12/2022, tổng số nợ công 3.557.668,28 tỷ đồng, giảm 1,63% so với năm 2021 (3.616.483,88 tỷ đồng), bằng 37,26% so với GDP, giảm 5,39% so với năm 2021 (42,65%). Trong đó, nợ Chính phủ 3.248.468,46 tỷ đồng, giảm 1,09% so với năm 2021 (3.284.107,17 tỷ đồng), bằng 34,02% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 297.962,32 tỷ đồng, giảm 6,99% so với năm 2021 (320.342,64 tỷ đồng), bằng 3,12% GDP; nợ chính quyền địa phương 55.172 tỷ đồng, tăng 16,61% so với năm 2021 (47.314 tỷ đồng), bằng 0,58% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 15,69%. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021.
Bên cạnh đó, theo KTNN, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nợ công. Trong đó, đối với nợ Chính phủ, việc điều chỉnh nhiệm vụ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) còn chậm. Việc theo dõi, rà soát, hạch toán các khoản rút vốn vay nước ngoài còn chưa chính xác, nguyên nhân chủ yếu do không có quy trình theo dõi, luân chuyển chứng từ đối với các khoản rút vốn và do lỗi chủ quan trong quản lý khoản vay. Đến thời điểm 31/12/2022, có 12 dự án đã ký hiệp định nhưng chưa giải ngân.
Đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh, đến hết năm 2022, còn 7 dự án được Chính phủ bảo lãnh đã và đang được Quỹ tích lũy ứng vốn trả nợ thay và quá hạn 5.232,02 tỷ đồng. Đối với nợ chính quyền địa phương, việc tổng hợp số liệu nợ chính quyền địa phương còn sai sót, chênh lệch giữa các đơn vị lập, đối chiếu. Một số dự án cho vay lại có giải ngân lần đầu năm 2022 còn chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý là yếu tố then chốt
Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công tại Việt Nam nói chung, KTNN đã đề xuất tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thường xuyên rà soát quy định pháp luật về nợ công, ngân sách và đầu tư công để cải thiện thể chế quản lý nợ công, tiệm cận thông lệ quốc tế. Theo Vụ Tổng hợp, đây là yếu tố then chốt trong việc cải thiện thể chế quản lý nợ công, từ đó đưa việc quản lý nợ công tại Việt Nam tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến nợ công cần đặt mục tiêu bảo đảm sự minh bạch trong quá trình vay nợ và sử dụng vốn vay, đồng thời kiểm soát tốt các rủi ro tài chính, từ đó bảo vệ lợi ích quốc gia và sự bền vững của NSNN.
KTNN cũng đề xuất cần sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, kết hợp hài hòa, linh hoạt chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; bám sát kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm. Những biện pháp này nhằm đảm bảo nợ công được sử dụng một cách hiệu quả, tránh gây áp lực tài chính quá lớn lên ngân sách quốc gia. Bên cạnh việc quản lý nợ công và ngân sách, huy động thêm các nguồn lực ngoài ngân sách từ trong và ngoài nước cũng là một giải pháp quan trọng để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực này không chỉ bổ sung cho các khoản đầu tư công, mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trách nhiệm của KTNN là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ, đảm bảo rằng các nguồn lực được huy động và sử dụng một cách minh bạch, hiệu quả.
Đáng chú ý, KTNN kiến nghị việc huy động vốn trái phiếu chính phủ theo khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách với lãi suất phù hợp. Linh hoạt phát hành TPCP với nhiều kỳ hạn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay, hài hòa dòng trả nợ của ngân sách, giảm chi phí vay nợ. Huy động vốn TPCP là một trong những công cụ quan trọng giúp Chính phủ đảm bảo nguồn vốn cho NSNN với chi phí hợp lý. Để tối ưu hóa hiệu quả huy động, cần phải điều chỉnh linh hoạt việc phát hành TPCP theo khả năng hấp thụ của thị trường nhằm đảm bảo rằng nhu cầu vốn của ngân sách được đáp ứng mà không gây ra áp lực quá lớn lên nền kinh tế.
Bên cạnh đó, KTNN đề xuất cần tái cơ cấu danh mục nợ trong nước của Chính phủ thông qua việc tận dụng các nguồn vốn hợp pháp khác (tăng thu, tiết kiệm chi, vay ngân quỹ nhà nước…) để xây dựng phương án huy động vốn phù hợp, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách trung ương, tăng cường gắn kết giữa quản lý ngân quỹ, quản lý nợ công và quản lý NSNN./.