Phát triển điện hạt nhân, bảo đảm an ninh năng lượng
Đầu tư - Ngày đăng : 21:10, 07/12/2024
Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là rất cần thiết
Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nêu rõ, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện hiện nay từ khoảng 80 GW tăng lên 150 GW vào năm 2030 và lên đến khoảng 490-573 GW vào năm 2050.
Chính phủ khẳng định, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, quan điểm quan trọng được Chính phủ đặt ra là phát triển điện hạt nhân phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.
“Việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng, giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép “vừa cung cấp điện nền, vừa đảm bảo môi trường” - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Trong quá trình thảo luận về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đã tới lúc Việt Nam nên khởi động lại dự án điện hạt nhân để đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
“Cần khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất. Đây là vấn đề rất hệ trọng, chỉ có điện hạt nhân mới đảm bảo được nhu cầu năng lượng quốc gia" - đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm.
Theo đại biểu, việc phát triển điện hạt nhân là một trong những xu thế của thế giới. Một số quốc gia đóng cửa nhà máy điện hạt nhân nhưng đã khởi động lại do nhu cầu năng lượng tăng cao. Tuy vậy, việc tính toán phát triển lại điện hạt nhân cần đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường.
Trước đây, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã dừng theo quyết định tại Nghị quyết của Quốc hội năm 2016. Năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nêu rõ: Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/11/2024 của Chính phủ; giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển điện hạt nhân
Cùng với thông qua chủ trương tái khởi động đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cũng đã bổ sung quy định về điện hạt nhân. Luật quy định, Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân.
Về chính sách phát triển điện hạt nhân, Luật quy định: Quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện; đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng, “mở đường” cho phát triển điện hạt nhân ở nước ta.
Về vấn đề này, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về điện hạt nhân, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân thành công, đạt hiệu quả cao.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 thì cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước.
Đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn Hòa Bình) đánh giá, việc đưa nội dung về điện hạt nhân vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) là một bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Để đưa điện hạt nhân phát triển bền vững, đại biểu Hoàng Đức Chính cho rằng, cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.
Cùng với đó, cần bổ sung những quy định về quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân. Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân và tăng sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, bổ sung các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân.