Phát triển thị trường vốn, tạo nền tảng để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững
Tài chính - Ngày đăng : 21:14, 07/12/2024
Thị trường vốn có sự phát triển tích cực
Chia sẻ tại Hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” mới diễn ra, TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính - nơi cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn, góp phần huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo nền tảng vật chất thiết yếu để nền kinh tế quốc gia tăng trưởng. Thị trường vốn còn là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Cũng theo ông Nghĩa, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều thách thức khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã có sự dịch chuyển ngày càng cân đối, hài hòa hơn theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán. Theo đó, tính đến hết tháng 6/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tương đương 69,1% GDP năm 2023. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8,6 triệu tài khoản…
Nghị quyết số 31/2021/QH15 đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho thị trường vốn với định hướng đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP...
Chia sẻ thêm “điểm sáng” của thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán đạt gần 1 tỷ USD/phiên, tăng 31,3% so với bình quân năm trước. Thị trường hiện có 728 cổ phiếu niêm yết và 878 cổ phiếu trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết đạt 2.246 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 50 tỷ USD giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 17% vốn hóa thị trường… “Những kết quả này chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam” - ông Thịnh nói.
Những kết quả tích cực trên có được, theo ông Tô Trần Hòa - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cũng như gỡ bỏ những rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán thông qua việc khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Đơn cử, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán. Theo đó, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và đề ra lộ trình triển khai công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh. Đây là căn cứ pháp luật quan trọng giúp nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam với chi phí thấp hơn nhưng lại giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo các chuyên gia, thị trường vốn Việt Nam hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết. Chẳng hạn như, cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Thị trường cổ phiếu biến động nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu đề ra cả về chất và lượng. Thị trường bảo hiểm trong 2 năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng khá thấp. Trên thị trường tín dụng ngân hàng, áp lực nợ xấu đang gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng của không ít nhà băng đang mỏng dần, cho thấy những yếu tố rủi ro đang tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao; còn hạn chế về hạ tầng công nghệ; niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa thực sự ổn định...
Tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Đánh giá về triển vọng thị trường vốn trong năm 2025, ông Phùng Quốc Hiển - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực. Nhận định này được ông Hiển đưa ra dựa trên cơ sở, năm 2025, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tăng tốc triển khai các dự án đầu tư công như sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc…, theo đó lượng vốn đầu tư công sẽ được sử dụng nhiều, từ đây, trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành nhiều hơn, thị trường trái phiếu cũng khởi sắc.
Bên cạnh đó, năm 2025, Quốc hội giao chỉ tiêu lạm phát ở mức 4,5%, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có sự nới lỏng về chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Khi kinh tế tăng trưởng, thị trường vốn sẽ được thúc đẩy.
Về vấn đề nợ công, hiện nay nợ công đang ở mức 40%. So với giai đoạn trước đây, nợ công đã giảm mạnh, cùng với đó thu ngân sách cũng tương đối ổn định, đây là những điều kiện quan trọng để thị trường vốn phát triển ổn định.
Đặc biệt, Luật Chứng khoán mới được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, cũng như tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vì gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành… Những quy định mới sẽ thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, về điểm nghẽn, ông Hiển cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của thị trường chính là niềm tin của nhà đầu tư. “Thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường vẫn có hiện tượng trồi sụt thất thường. Do đó, phải làm sao để cải thiện điều này, khắc phục điều này thì thị trường vốn sẽ phát triển bền vững” - ông Hiển nói.
Đưa thêm khuyến nghị, theo các chuyên gia, để thị trường phát triển bền vững, cần cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, tiếp tục phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thanh toán, mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường quản lý thị trường để gia tăng tính minh bạch và kỷ luật.
Cùng với đó, thị trường vốn Việt Nam cũng cần hướng đến một cơ cấu nhà đầu tư bền vững hơn, trong đó, gia tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức, tăng cường các giải pháp để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia để hút dòng vốn ngoại cũng là vấn đề lớn cần được quan tâm…
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Tô Trần Hòa cho biết, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán, trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tục ưu tiên tập trung vào các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán. Đồng thời, Ủy ban sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó có một số điểm chính trong định hướng chính sách.
Cụ thể, về nâng hạng thị trường, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm thu hút các dòng vốn lớn, nâng cao chất lượng thị trường, duy trì tăng trưởng về quy mô. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến các thành viên thị trường, công chúng đầu tư nội dung của Thông tư 68/2024/TT-BTC nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn, an ninh thị trường.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xem xét sửa đổi quy định pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc xem xét sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến giảm thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam./.