Tháo gỡ điểm nghẽn để nâng cao giá trị của trái cây Việt
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:26, 07/12/2024
Xuất khẩu đạt kỷ lục, vượt chỉ tiêu cả năm
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng tới 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này. Các loại trái cây chủ lực xuất khẩu, gồm: Sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài…
Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%.
Giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính. Thị trường Đức có mức tăng mạnh nhất, với 73,6%...
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, sầu riêng vẫn là động lực chính để xuất khẩu rau quả Việt Nam lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều loại rau quả xuất khẩu chủ lực khác như nhãn, dừa, xoài, mít… cũng tăng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực tăng trong năm nay đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu rau quả. “Sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhờ diện tích cho thu hoạch tăng” - ông Nguyên cho biết.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên Việt Nam đã xây dựng được nguồn cung sản phẩm dồi dào cho xuất khẩu. Tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc 1,269 triệu ha, sản lượng đạt 1,3887 triệu tấn; Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích lớn nhất cả nước chiếm 31,8%, tiếp đến các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc hiện có khoảng 271,9 nghìn ha, chiếm 21,4% tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc.
Chủng loại cây ăn quả của Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích), tiếp đến sầu riêng (11,8%), cây có múi gần 15%...
Còn theo đại diện Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT), tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NNPTNT đã đàm phán, mở cửa được thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Australia, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, ớt tươi, thạch đen, khoai lang, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi, chanh.
Cục Bảo vệ Thực vật đánh giá, đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho nông sản Việt tiếp đà tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm, cũng như hướng đến các đơn hàng cho năm 2025.
Đưa ra dự báo với vấn đề này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, những tháng cuối năm nay, xuất khẩu rau quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do và các Nghị định thư.
"Với những thuận lợi này, chỉ cần duy trì kim ngạch xuất khẩu như vừa qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc 7 tỷ USD" - đại diện Hiệp hội cho biết.
Chú trọng chế biến và đa dạng hóa phương thức tiếp thị, xúc tiến sản phẩm
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NNPTNT cũng nhận diện rõ những rủi ro, thách thức trong xuất khẩu trái cây. Một trong những hạn chế lớn nhất của trái cây trong nước là bảo quản sau thu hoạch kém khiến sản phẩm dễ hư hỏng; vấn đề đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cần được chú trọng hơn…
Nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm là yêu cầu quan trọng hàng đầu, ông Hồ Văn Chiến (Cục Bảo vệ Thực vật) nêu, đây là yêu cầu bắt buộc với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu khi muốn đưa hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là nông sản - hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các quy định chung về kiểm dịch thực vật như: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu...
Theo ông Chiến, mỗi thị trường lại có yêu cầu khác nhau đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ để đáp ứng yêu cầu, nếu muốn mở rộng các thị trường tiềm năng. Như cây có múi, Liên minh châu Âu yêu cầu phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid. Trong khi Hàn Quốc lại yêu cầu quả bưởi phải được cơ sở xử lý hơi nước nóng đặt trong cơ sở đóng gói và thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan chức năng Hàn Quốc, Việt Nam...
Khẳng định việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Song theo ông Trần Anh Hùng (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp), xuất khẩu ngành hàng này phải vượt qua những thách thức về bảo quản, chế biến, và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nếu muốn đưa sản phẩm tiến sâu hơn vào thị trường và mang lại giá trị cao hơn.
“Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng, đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao trong chế biến” - ông Hùng nhấn mạnh.
Trước yêu cầu ngày càng gia tăng khiến số cơ sở chế biến mới chỉ đáp ứng được 10%-17% tổng sản lượng rau quả hàng năm. Điều đó đồng nghĩa phần lớn rau quả xuất khẩu vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế đơn giản.
Ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch
Ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT) thông tin, Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản rau quả nhỏ.
Do đó, để nâng cao giá trị rau quả, theo ông Tuấn là cần nâng cao tỷ lệ sản phẩm đã qua chế biến; không ngừng cải thiện công nghệ chế biến cho phù hợp với đòi hỏi, yêu cầu của thị trường. Trong đó, nhiều công nghệ mới tiên tiến đang được các nước có nền nông nghiệp tiên tiến áp dụng trong sơ chế và chế biến rau quả như: Công nghệ bảo quản bằng kỹ thuật kiểm soát khí quyển, bao gói khí biến đổi, tạo màng bảo quản và giấm chín bằng khí Ethylene. Trong chế biến, các công nghệ như sấy thăng hoa, chiên chân không và cấp đông siêu tốc cũng đã được triển khai, nhưng vẫn cần mở rộng quy mô để tăng hiệu quả.
"Việc lựa chọn công nghệ, xây dựng nhà xưởng phải phù hợp với đặc điểm sản phẩm, quy mô sản xuất và thị trường mục tiêu… thì mới nâng cao tỷ suất chế biến đối với trái cây - nông sản Việt Nam xuất khẩu" - ông Tuấn lưu ý.
Ngoài vấn đề chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT), cho rằng, một vấn đề khác ngành hàng rau quả cần cải thiện hiện nay là phương thức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, trong đó cần chú trọng hơn đến thương mại điện tử.
Cụ thể, về thương mại điện tử, ông Dự gợi mở về việc tận dụng mạng xã hội để quay phát trực tiếp (livestream), trưng bày giới thiệu sản phẩm, tổ chức sự kiện, thu hút người mua hàng./.