Vietcombank đã có gần 8,5 triệu khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 13:33, 08/12/2024

(BKTO) - Chủ động triển khai trên nhiều kênh và phương thức phục vụ, tính đến đầu tháng 12/2024, Vietcombank ghi nhận gần 8,5 triệu khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công và vẫn tiếp tục gia tăng, thuộc top đầu thị trường.

01/1/2025 là hạn chót để cập nhật sinh trắc học

Việc cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân hiện trở thành yêu cầu bắt buộc đối với khách hàng dựa trên các quy định quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và pháp luật hiện hành. Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) ngày 18/12/2023, NHNN đã yêu cầu từ ngày 1/7/2024, một số loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng nhận dạng sinh trắc học.

screenshot-2024-12-07-at-22.39.06.png

Ngoài ra, Thông tư 17/2024/TT-NHNN (Thông tư 17) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) ban hành ngày 28/6/2024 cũng yêu cầu các tổ chức tài chính phải kiểm tra tính hiệu lực của giấy tờ tùy thân, xác thực thông tin sinh trắc học, và cập nhật thông tin cư trú của khách hàng. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến và giao dịch chuyển/rút tiền tại ATM nếu rơi vào tình trạng: Chưa hoàn thành đổi số đối chiếu giấy khai báo và thông tin sinh trắc nghiệm đúng; Chưa cập nhật, tiện ích bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân đã hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, Luật Căn cước 2023 (Luật số 26/2023/QH15) quy định tất cả các giấy chứng minh nhân dân (CMND) 9 số và 12 số sẽ hết giá trị sử dụng từ ngày 31/12/2024, yêu cầu người dân phải đổi sang thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Điều này đòi hỏi các khách hàng cần cập nhật thông tin CCCD mới trong hồ sơ để không bị gián đoạn giao dịch.

Những quy định này bảo đảm an toàn bảo mật thanh toán trực tuyến, từ đó hình thành không gian mạng lành mạnh, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Vietcombank tổ chức phục vụ tốt các khách hàng có nhu cầu xác thực sinh trắc học

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc xác thực sinh trắc học đối với quyền lợi của khách hàng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ quá trình cập nhật thông tin được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

screenshot-2024-12-07-at-22.39.26.png
Nhân viên Vietcombank hỗ trợ khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học

Ngay từ tháng 6/2024, Vietcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên chủ động truyền thông đến khách hàng về các quy định của Quyết định 2345, Luật căn cước 2023 và Thông tư 17 &18 của NHNN về việc cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân qua nhiều kênh gồm: Đặt bảng thông báo tại các điểm giao dịch; các kênh truyền thông của ngân hàng như mạng xã hội, website; gửi email, OTT; thông báo (pop-up) khi khách hàng đăng nhập vào ngân hàng số VCB Digibank; thông tin qua báo chí; trên các màn hình máy ATM trên toàn quốc; thông báo đến các doanh nghiệp trả lương để thông tin đến CBNV, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cập nhật thông tin sinh trắc học cho CBNV. Tại một số địa phương, Vietcombank phối hợp với cơ quan chính quyền để thông báo về cập nhật sinh trắc học qua loa phát thanh.

Từ khi Quyết định 2345 có hiệu lực ngày 01/7/2024, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất triển khai hai hình thức cập nhật thông tin online trên ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng bao gồm đăng ký online qua ứng dụng VCB Digibank sử dụng công nghệ “quét” NFC; Đăng ký online sử dụng kết nối App-to-App với Tài khoản định danh điện tử (VNeID). Ngoài ra, khách hàng có thể cập nhật thông tin sinh trắc học tại gần 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc.

Nhận thấy nhu cầu cập nhật sinh trắc học của người dân tăng cao, Vietcombank đã nhanh chóng tổ chức triển khai làm việc ngoài giờ hành chính và làm thêm vào cuối tuần để phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 23/11/2024 đến 15/01/2025, các điểm giao dịch của Vietcombank phục vụ khách hàng từ 8h00 đến 18h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu và từ 8h00 đến 17h30 vào cuối tuần để hỗ trợ khách hàng đăng ký thông tin. Đặc biệt, khách hàng không cần phải quay lại chi nhánh nơi mở tài khoản mà có thể đến bất kỳ điểm giao dịch nào của Vietcombank để thực hiện thủ tục này. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên tại các điểm giao dịch được đào tạo kỹ lưỡng để hỗ trợ khách hàng mọi thắc mắc trong quá trình thực hiện.

Sau khi triển khai làm việc ngoài giờ, lượng khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công tăng gấp đôi so với trước đó. Tại một số địa bàn khu công nghiệp, lượng khách hàng là nhân viên các nhà máy, công ty đến cập nhật sinh trắc học tăng đột biến, đặc biệt là vào cuối tuần. Các chi nhánh này của Vietcombank đã huy động toàn bộ CBNV làm thêm để phục vụ khách hàng.

Vietcombank cũng hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đảm bảo việc xác thực diễn ra nhanh chóng, chính xác và bảo mật. Từ tháng 7/2024, Vietcombank là ngân hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đầu tiên với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực Sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao bảo mật, phòng chống gian lận, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.

screenshot-2024-12-07-at-22.39.17.png
Một số điểm giao dịch của Vietcombank mở cửa phục vụ khách hàng vào cuối tuần

Chỉ trong 5 tháng triển khai từ khi Quyết định 2345 có hiệu lực, tính đến đầu tháng 12/2024, Vietcombank ghi nhận gần 8,5triệu khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công và con số này đang tiếp tục gia tăng, thuộc top đầu thị trường theo thống kê của NHNN.

Việc chủ động tổ chức làm ngoài giờ và ứng dụng công nghệ hiện đại vào xác thực sinh trắc học của Vietcombank đã nhận được sự đánh giá cao từ phía khách hàng, thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống trong việc phục vụ, hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin theo quy định của NHNN, qua đó góp phần nâng cao uy tín của ngân hàng trong lĩnh vực tài chính./.

M.Q