Năm 2019, ngành thuế có thể phấn đấu thu vượt dự toán 8% được không?

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:15, 11/01/2019

(BKTO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã gợi ý như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào ngày 10/01.


                
   

Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Tổng cục Thuế

   
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, ông Bùi Văn Nam- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Năm 2018, ngành Thuế được giao thu NSNN 1.070.200 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 35.900 tỷ, thu nội địa trừ dầu là 1.034.300 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, số thu của toàn ngành đạt 1.146.933 tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017.

Trong đó, thu từ dầu thô đạt 66.048 tỷ đồng, bằng 183,9% dự toán, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2017; thu nội địa: đạt 1.080.885 tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán, tăng 11,2% so với năm 2017. Đóng góp lớn cho số thu nội địa là từ tiền sử dụng đất, đạt 146.616 tỷ đồng, bằng 170,7% dự toán (vượt 60.716 tỷ đồng), vượt 28.616 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội, tăng 17,1% so với cùng kỳ. 61/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán pháp lệnh, 61/63 địa phương tăng thu so với cùng kỳ, trong đó có 24 địa phương tăng trưởng thu từ 15% trở lên…

Năm 2018, ngành thuế đã thu hồi được 32.055 tỷ đồng nợ đọng, đạt 76,9% số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2017 chuyển sang.

Tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/12/2018 là 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi là 39.295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,8% tổng số tiền nợ thuế, giảm 2.381 tỷ đồng (-5,7%) so với 31/12/2017.

Năm 2019, Tổng cục Thuế đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 1.168.100 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 44.600 tỷ đồng và thu nội địa là 1.123.500 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Nam cho biết, Tổng cục thuế sẽ phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 5% so với dự toán. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu NSNN; tăng cường các biện pháp chống thất thu, trong đó chú trọng triển khai hóa đơn điện tử trên diện rộng; thực hiện thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 19% số DN đang hoạt động; đôn đốc, thu hồi kịp thời các khoản nợ đọng thuế để giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu xuống dưới 5%.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề: Năm 2018, ngành thuế đã thu NSNN vượt 7,2% dự toán. Vậy, năm 2019, ngành thuế có thể phấn đấu thu vượt dự toán 8% được không? Đồng thời, theo Phó Thủ tướng, cải cách thuế phải theo hướng mở rộng cơ sở thuế chứ không phải theo hướng tăng thuế suất.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu ngành thuế phải giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng "văn hóa hóa đơn", không để kéo dài tình trạng "khi thanh toán, nhân viên hỏi: Bác có lấy hóa đơn VAT không”. Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành thuế nghiên cứu, đề xuất với cơ quan quản lý ban hành chính sách thuế phù hợp với các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thống kê khu vực GDP chưa được quan sát.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Thuế tích cực cùng với Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý để có luật chất lượng cao nhất, ổn định trong khoảng 10 năm. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện hành, như việc quản lý các giao dịch liên kết, tăng cường chống chuyển giá; quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, mối quan hệ giữa các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý thuế, hay vướng hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với phán quyết của cơ quan thuế; cách xử lý các khoản nợ đọng thuế kéo dài nhưng không có cơ sở để thu hồi…

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng "đặt hàng" cơ quan thuế, Bộ Tài chính xây dựng báo cáo thực trạng tài chính, thu hút đầu tư, nghĩa vụ ngân sách và chính sách ưu đãi đầu tư với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

THÙY ANH