Quảng Bình: Khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển
Địa phương - Ngày đăng : 22:22, 09/12/2024
Sáng 9/12, tại thành phố Đồng Hới, HĐND tỉnh Quảng Bình khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 19 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2025; quyết nghị nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu cho biết: Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, cũng là năm “nước rút” của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Kết quả năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,18%; có 24/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 9,7%; nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,08%; dịch vụ tăng 7,23%. Cả 3 khu vực của nền kinh tế đều tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ.
Địa phương cũng đã đón hơn 5,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Du lịch Quảng Bình ngày càng khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, tích cực tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án, công trình trọng điểm; triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, góp phần quan trọng sớm hoàn thành Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh, đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ ra một số hạn chế như: một số chỉ tiêu đạt được nhưng còn thiếu bền vững; nguồn thu ngân sách thiếu tự chủ, phụ thuộc lớn từ nguồn thu tiền sử dụng đất; hạ tầng và năng lực phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân chung cả nước, nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch; bộ máy chính quyền 3 cấp còn cồng kềnh, kém hiệu quả; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà…
Để tiếp tục đà phát triển và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bứt phá nhằm về đích và sớm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh các nội dung quan trọng trong Kỳ họp thứ 19.
Trong đó, HĐND tỉnh Quảng Bình sẽ nghe và xem xét 27 báo cáo về kết quả công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Thường trực HĐND tỉnh; kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025; phê chuẩn tổng quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2024; quyết định dự toán thu, chi ngân sách năm 2025.
Đặc biệt, HĐND tỉnh Quảng Bình sẽ tiến hành các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề nổi lên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành, chính quyền các cấp, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Đồng thời, Kỳ họp sẽ thảo luận, thông qua 31 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới và quyết định một số nội dung khác theo thẩm quyền.
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: Các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được thảo luận phải đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn, tính khả thi, đồng thời mang tính động lực, thúc đẩy nhằm tạo sự quyết tâm bứt phá trên các lĩnh vực kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2025 phải khơi thông được các nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025, tạo tiền đề để Quảng Bình vươn mình phát triển trong giai đoạn tiếp theo.