Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ - rào cản của tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:57, 11/12/2024
Tái cơ cấu nông nghiệp giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả đạt được, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra 54-55 tỷ USD cho cả năm 2024 và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới 60 tỷ USD trong năm nay.
Cán cân thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam 11 tháng năm 2024 đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5% và nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần...
Đây là dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp và là minh chứng cho nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Cường, hoạt động sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản ổn định, bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
"Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước, thế giới còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp, với sự chuyển mình thay đổi mạnh mẽ đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực" - ông Cường cho biết.
Các chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, đẩy mạnh tái cơ cấu, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp tăng nâng suất cây trồng. Đơn cử, theo bà Thủy, giai đoạn 10 năm qua (2013-2023), cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới. Các giống lúa Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước. Với sự tham gia của yếu tố công nghệ, nhiều diện tích đất ngập mặn được mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tôm, hoặc trồng loại cây phù hợp thay vì trồng lúa và những kết quả mang lại đã cho thấy sự đúng đắn của quá trình chuyển đổi này...
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm trên 80% diện tích cả vùng, trong đó riêng giống lúa OM5451 đã được gieo trồng với diện tích gần 1 triệu ha, cho năng suất vượt trội, ít sâu bệnh. Hay cà phê cho năng suất 27 tạ/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, 3 lần so với Colombia và Indonesia...
Những kết quả của ngành nông nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn có mức tăng trưởng khá; an ninh lương thực được đảm bảo, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.
Trong đó, “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được các địa phương triển khai thực hiện, ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa...” - đại biểu đánh giá và nhấn mạnh, đây là sản phẩm điển hình của quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún - trở ngại để tái cơ cấu
Khẳng vai trò quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, song các ý kiến cũng cho rằng quá trình này đang phải những rào cản nhất định, nổi cộm là tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Cấp ủy, chính quyền địa phương ở gần người dân nhất, thấy được sự bức thiết của HTX trong các vấn đề liên kết, đầu tư… để tháo gỡ, hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Như vậy, phong trào HTX mới phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn và thực sự trở thành một đòn bẩy để kết nối các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan
Nhận diện rõ vấn đề này, Đảng ta xác định cần tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã (HTX), coi đây là chủ thể có đủ khả năng để tích tụ đất đai, cũng như là giải pháp để xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới xác định các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, liên quan đến vướng mắc về đất đai dẫn đến khó sản xuất tập trung, Luật Đất đai khi đi vào cuộc sống sẽ từng bước tháo gỡ vấn đề này. Muốn vậy, Chính phủ cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương, để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không thể không nhắc đến vai trò của HTX. Chỉ khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng tập hợp, tham gia vào HTX - cánh tay nối dài giữa DN và các hộ nông dân, từng bước hình thành các HTX hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả mới gỡ bỏ được bài toán nhỏ lẻ, manh mún.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến khu vực HTX. “Phải nâng cao nhận thức để hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thấy rõ được lợi ích khi tham gia vào chuỗi liên kết. Đó là khi tham gia vào HTX sẽ được hỗ trợ về nguồn vốn, giống, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ” - đại biểu nêu.
Nhấn mạnh việc tổ chức sản xuất trên diện tích nhỏ, không tập trung đang là rào cản để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gia tăng giá trị; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho rằng, tư duy sản xuất, manh mún còn thể trong toàn bộ quy trình sản xuất. Đơn cử như nông dân vẫn có gì trồng nấy, sản xuất kiểu tự cung, tự cấp và không quan tâm đến các khâu khác, không quan tâm đến thị trường.
Việc thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm còn chậm; việc cơ giới hóa ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc, chưa thống nhất...
Do đó, các ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp cần tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm về những kết quả đạt được và hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất để đề ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, gắn sản xuất liên kết với tiêu thụ. Qua đó từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.