Tăng cường giám sát, giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại đông người
Pháp luật - Ngày đăng : 10:07, 11/12/2024
Sáng 10/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024).
Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp
Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và 11 năm 2024, Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu rõ, cử tri và nhân dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, cử tri và nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 8, nhất là việc đổi mới tư duy, phương thức tiến hành công tác lập pháp theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…
Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất; tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội; các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản liên tiếp xảy ra thời gian gần đây; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, nhất là trong dịp cuối năm… Các vấn đề trên cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm hơn để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, ông Hoàng Anh Công cho biết, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, khai thác tài nguyên và xây dựng ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong đó, nổi lên 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ địa phương, nhằm hạn chế việc các công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên Trung ương.
Trong tháng 10 và tháng 11/2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2024. Số người đeo bám khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng, phát sinh 307 người so với trước Kỳ họp thứ 8.
Tăng cường theo dõi, giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri
Trên cơ sở ý kiến của cử tri, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch nhằm hạn chế hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cuộc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá đất; nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản.
Đồng thời, chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại bếp ăn tập thể, bếp ăn căng tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Về các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của 17 địa phương thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được nêu tại Phụ lục 1 của Báo cáo, Ban Dân nguyện đề nghị chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.
Đối với 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, Ban Dân nguyện đề nghị chỉ đạo các địa phương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Báo cáo cần khái quát hơn phần cử tri và nhân dân ghi nhận hoạt động của Quốc hội, nêu bật Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bước đầu đã có sự thay đổi tư duy rất sâu sắc trong công tác xây dựng pháp luật.
Về giải quyết kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo cần nêu cụ thể, điển hình cơ quan nào có thẩm quyền nhưng chưa chú trọng khẩn trương giải quyết các khiếu kiện đông người. “Đã đến lúc chúng ta cần phải công khai xác định trách nhiệm, không thể chung chung mãi được. Người đứng đầu phải tiếp công dân để giải quyết dứt điểm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn thiện Báo cáo, trong đó nêu bật kết quả của Kỳ họp thứ 8; bổ sung những băn khoăn của người dân về tình trạng thiếu và xuống cấp nhà vệ sinh công cộng ở thành phố lớn; thiếu nhà ở xã hội; tình trạng ùn tắc, ngập úng tại các đô thị lớn.
Đối với những nội dung kiến nghị, đề xuất, UBTVQH giao Ban Dân nguyện giám sát việc giải quyết khiếu, nại tố cáo tại TP. Hà Nội, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng - 4 địa phương có đoàn đông khiếu kiện đông người - báo cáo UBTVQH tại Phiên họp thứ 41. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát tình hình giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo; có phương pháp thống kê cách làm hay; đôn đốc trách nhiệm giám sát của các cơ quan Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội…