Đưa công nghiệp công nghệ số trở thành động lực tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 12/12/2024

(BKTO) - Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, đã thiết kế các chính sách ưu tiên thúc đẩy công nghiệp công nghệ số phát triển. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, các chính sách này cần có sự đột phá, có trọng tâm, nhằm tạo hành lang pháp lý đưa công nghiệp công nghệ số thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.
10a(1).jpg
Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội nghị chuyển đổi công nghệ nhằm chia sẻ xu hướng chuyển đổi số cũng như nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Ảnh: M. THÚY

Chính sách ưu đãi cần cụ thể, đột phá, khả thi

Trong bối cảnh công nghiệp công nghệ số, nhất là những lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đang có sự phát triển mạnh mẽ, các ĐBQH cho rằng, Việt Nam cần thiết phải có quy định riêng để điều chỉnh lĩnh vực quan trọng này. “Năm 2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 138,5 tỷ USD, xuất siêu phần cứng điện tử đạt trên 30 tỷ USD và đóng góp cho GDP tương đương 7%. Hiện Việt Nam đang có 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và 1,45 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ số. Qua đây cho thấy sự cần thiết phải hoàn thiện Luật này càng sớm, càng tốt” - đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) bày tỏ.

Công nghiệp công nghệ số là ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động và rất quan trọng của đất nước. Công nghệ số không chỉ xử lý dữ liệu mà còn sinh ra dữ liệu, tạo ra chuyển đổi số. Công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Đặc biệt, nhiều ĐBQH dành sự quan tâm đến các chính sách ưu tiên, ưu đãi trong phát triển công nghiệp công nghệ số. Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, muốn phát triển lĩnh vực nào thì phải có ưu đãi. Chúng ta đang ưu tiên tăng trưởng thì ngoài việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có công nghệ số. Ví dụ, với ngành then chốt như chip bán dẫn, cần ưu tiên về đất đai, thuế, hạ tầng và tài chính để thu hút đầu tư, tạo cơ hội chuyển giao công nghệ nhưng đồng thời phải bảo đảm lợi ích quốc gia. Thủ tướng cũng cho rằng, cần áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với công nghiệp công nghệ số và kiểm soát bằng thời gian thử nghiệm. Ngoài ra, cần chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho các lĩnh vực như bán dẫn, điện toán đám mây và IoT, tận dụng lợi thế dân số trẻ và tư duy toán học tốt của người Việt.

Với quan điểm đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cơ quan thẩm tra Dự án luật) cũng như các ĐBQH cho rằng, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần thiết kế các cơ chế, chính sách ưu đãi một cách trọng tâm, rõ ràng, khả thi và phù hợp với điều kiện của đất nước.

Theo đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo điện, điện tử và công nghệ thông tin. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong nước, đảm bảo cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. “Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số made in Việt Nam” - đại biểu Vân nói.

Đại biểu Tráng A Tủa (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đề nghị bổ sung quy định rõ vai trò, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI trong đầu tư và chuyển giao công nghệ số; cụ thể hóa mục tiêu phát triển sản phẩm bán dẫn chuyên dụng; bổ sung nội dung khuyến khích phát triển các nhà cung cấp nội địa trong chuỗi giá trị bán dẫn để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu…

Ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, chiến lược cho nguồn nhân lực

Khẳng định việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ số có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành này tại Việt Nam, các ĐBQH đề nghị cần có giải pháp chiến lược và đồng bộ hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực công nghệ số.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung chính sách nhằm khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ mạnh mẽ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, như việc thúc đẩy các quỹ đầu tư hỗ trợ tài chính, đào tạo và cung cấp không gian sáng tạo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường thuận lợi để những ý tưởng công nghệ mới được triển khai và phát triển, đồng thời cũng tạo động lực quan trọng để phát triển nguồn nhân lực công nghệ số tại Việt Nam.

10b.jpeg
Công nghiệp công nghệ số là ngành kinh tế kỹ thuật rất quan trọng. Ảnh minh họa

Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh đến việc xem xét, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Đại biểu Dương Tấn Quân đề xuất, cần tăng cường đào tạo các ngành học mới như các ngành công nghệ số, mở rộng các ngành học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng và các ngành công nghệ khác. Đồng thời, phát triển chương trình đào tạo liên ngành kết hợp giữa công nghệ và các lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, khoa học - xã hội… để tạo ra các giải pháp sáng tạo, nâng cao tính ứng dụng công nghệ số. “Chương trình đào tạo cần được điều chỉnh, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain và các công nghệ khác” - đại biểu nói.

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng, cần có các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực; hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, đào tạo, giảng dạy… Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung các chế độ ưu đãi đối với nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, chuyên gia người nước ngoài. Dự thảo Luật chỉ có ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân là chưa thỏa đáng và chưa tạo được động lực thu hút nhân lực trong lĩnh vực này. Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề nghị có chính sách phù hợp khuyến khích các tập đoàn công nghệ nước ngoài đầu tư các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ số tại Việt Nam. Đồng thời, có định hướng chính sách về thí điểm lựa chọn sinh viên giỏi đi đào tạo ở các nước tiên tiến về công nghệ số, nhằm phục vụ đất nước trong tương lai./.

Đ. KHOA