Cảnh báo rủi ro từ “hệ số K” trong quản lý thuế tại Hậu Giang

Tài chính - Ngày đăng : 09:18, 08/12/2024

Trong năm 2024, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp giám sát rủi ro về hóa đơn và kê khai thuế thông qua “hệ số K”. Đây là biện pháp dùng công nghệ thông tin để phân tích dữ liệu, cảnh báo rủi ro sử dụng hóa đơn điện tử, được gọi là phương pháp áp dụng hệ số K.

Theo Cục Thuế tỉnh Hậu Giang, khi bị cảnh báo “hệ số K” chưa hẳn là vi phạm pháp luật, có thể còn nhiều nguyên nhân khách quan khác. Vì vậy người nộp thuế (NNT) luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh minh bạch, hạch toán đầy đủ, đúng quy định, kê khai thuế chính xác để tránh bị cảnh báo “hệ số K”.

Những trường hợp bị cảnh báo “hệ số K” chủ yếu là các doanh nghiệp và hộ kinh doanh có giá trị chênh lệch bất thường giữa hàng hóa bán ra và giá trị hàng hóa mua vào và hàng tồn kho. Khi “hệ số K” quá lớn, hệ thống sẽ tự động phát cảnh báo đến cơ quan thuế.

Qua quá trình giám sát từ hệ thống cảnh báo “hệ số K” nhận thấy, NNT bị cảnh báo do bán hàng mà không có ghi nhận hàng tồn kho thực tế hoặc phát hành hóa đơn với giá trị quá lớn so với hàng hóa hiện có, xuất hóa đơn với doanh thu của các ngành nghề không thuộc ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp sẽ dẫn đến hệ thống cảnh báo hóa đơn gửi thông tin đến cơ quan thuế. Đây là những rủi ro có thể xảy ra do NNT xuất hóa đơn khống, cho, bán hóa đơn điện tử.

Hoặc NNT không hạch toán chính xác việc nhập, xuất tồn kho hàng hóa, bỏ sót hóa đơn mua vào, bỏ ngoài sổ sách kế toán. Ngoài ra một số NNT kinh doanh các loại hàng hóa nông, lâm sản, thực phẩm, phế liệu, vàng bạc… hàng hóa đầu vào không có hóa đơn dẫn đến không kê khai được giá trị hàng nhập kho trên hồ sơ khai thuế và bảng kê hóa đơn đầu vào, từ đó làm cho “hệ số K” cao, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang thông tin.

“Hệ số K” là một chỉ số đo lường rủi ro về hạch toán bán hàng, được xác định theo công thức: K = Tổng giá trị hàng hóa bán ra trên hóa đơn / (Tổng giá trị hàng hóa tồn kho + Tổng giá trị hàng hóa mua vào).

Cũng theo Cục Thuế tỉnh Hậu Giang, trường hợp “hệ số K” cao, vượt ngưỡng quy định (đây có thể là dấu hiệu rủi ro xuất hóa đơn khống, cho, bán hóa đơn), cơ quan thuế sẽ kiểm tra tính hợp lý của hóa đơn, đối chiếu với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, xác định tính hợp lý của lượng hàng hóa tồn kho tại cơ sở và yêu cầu NNT giải trình.

Trường hợp giải trình được do lỗi hạch toán hàng tồn kho hoặc do hạch toán thiếu hóa đơn đầu vào cũng có thể gây phiền hà cho người mua hàng khi cơ quan thuế cảnh báo hóa đơn của người bán có rủi ro “hệ số K”. Điều này có thể làm giảm uy tín, thương hiệu của NNT.

he-so-k.jpg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngành Thuế Hậu Giang cũng thông tin, nếu NNT không giải trình được, cơ quan thuế có thể quyết định và thực hiện các cuộc kiểm tra thực tế tại cơ sở kinh doanh để xác minh tình hình hàng hóa tồn kho và đối chiếu với các thông tin trên hóa đơn (điều này nhằm xác định doanh nghiệp có phát hành hóa đơn đúng quy định hay không? có xuất khống hóa đơn hay không?). Trong trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi phát hành hóa đơn khống hoặc gian lận, cơ quan thuế có thể sử dụng biện pháp quyết định tạm ngừng việc sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp liên quan để ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp diễn.

Cục Thuế tỉnh Hậu Giang cũng cho hay, việc xác định “hệ số K” được thực hiện tự động bằng công nghệ thông tin trên cơ sở dữ liệu đăng ký thuế, khai thuế của người nộp thuế do hệ thống ứng dụng của ngành Thuế tại thời điểm rà soát. Chính vì vậy việc cảnh bào “hệ số K “có chính xác hay không phần lớn phụ thuộc vào dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai với cơ quan thuế.

Để tránh bị cảnh báo “hệ số K” NNT cần thực hiện tốt các vấn đề như, người nộp thuế cần kiểm tra và cập nhật thông tin ngành nghề kinh doanh chính trên hệ thống thuế. Nếu có thay đổi về ngành nghề, NNT cần thực hiện thủ tục cập nhật với cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này giúp hệ thống tính toán chính xác “hệ số K” và giảm thiểu việc bị cảnh báo không phù hợp.

Bên cạnh đó, NNT phải hạch toán đầy đủ kịp thời số liệu hàng tồn kho một cách thường xuyên và chính xác, khắc phục tình trạng nhập sót hóa đơn đầu vào. Việc quản lý lỏng lẻo hoặc không khớp giữa hàng tồn kho và số liệu khai báo dễ dẫn đến bị cảnh báo “hệ số K”, đồng thời có thể bị xử lý vi phạm quy định.

Cục Thuế tỉnh Hậu Giang cũng cho hay, khi bị cảnh báo “hệ số K” chưa hẳn là có vi phạm pháp luật, có thể còn nhiều nguyên nhân khách quan khác. Vì vậy người nộp thuế luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh minh bạch, hạch toán đầy đủ, đúng quy định, kê khai thuế chính xác để tránh bị cảnh báo “hệ số K”.

Nếu nhận được cảnh báo từ cơ quan thuế cũng như yêu cầu giải trình theo quy định, NNT cần cung cấp ngay các chứng từ chứng minh sự minh bạch trong kinh doanh. Các thông tin liên quan đến hóa đơn, hàng hóa, và doanh thu cần được giải trình đầy đủ và kịp thời, phải lựa chọn các nhà cung cung cấp hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có thương hiệu, thực hiện tốt pháp luật thuế, có sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch theo quy định của pháp luật (mua nguyên, nhiên, vật liệu đầu đầu vào phải có hóa đơn điện tử hợp pháp).

Cục Thuế tỉnh Hậu Giang cũng khuyến nghị, NNT phải tuân thủ các quy định hiện hành về phát hành hóa đơn điện tử, hóa đơn phản ánh đúng nội dung thực tế nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đúng giá trị, thời điểm của giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Bởi, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa các giao dịch không có thật có thể dẫn đến các rủi ro lớn và dẫn đến vi phạm pháp luật về hình sự. Vi phạm về hóa đơn không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Các ngân hàng và đối tác sắn sàng từ chối cấp vốn hoặc hợp tác với các doanh nghiệp vi phạm.

Anh Thư