Kiểm soát lạm phát: Liệu có phải thấp thỏm ngóng giá dầu thế giới?

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 14/01/2019

(BKTO) - Sự kiện CPI bình quân chỉ tăng 3,54% đang được giới chuyên gia đánh giá là một trong hai thành công lớn của kinh tế Việt Nam năm 2018. Đây là phần thưởng xứng đáng cho quá trình điều hành chính sách giá cả, tiền tệ rất hợp lý và linh hoạt của Chính phủ; cách điều hành giá đã không còn mang tính giật cục, gây sốc như một vài năm trước. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ lạm phát thấp này còn có phần đóng góp lớn của một yếu tố đến từ bên ngoài, đó là hiện tượng giá dầu thế giới sụt giảm và duy trì ở mức thấp.


Tỷ lệ lạm phát bị tác động mạnh bởi giá dầu

Nghiên cứu của TS. Phạm Sỹ An - Viện Kinh tế Việt Nam - đã chỉ rõ: trong các giai đoạn lạm phát nước ta tăng cao, tác động của giá dầu thế giới lên tỷ lệ lạm phát là rất rõ ràng, nhất là những năm 2008-2011. Riêng năm 2008, tỷ lệ lạm phát còn lên đến mức 23%. Nguyên nhân gây ra lạm phát cao trong giai đoạn này là do sự kết hợp giữa cầu kéo (tăng trưởng cung tiền ở mức cao) và chi phí đẩy (giá dầu thế giới cũng tăng cao kỷ lục). Mặc dù sau đó, tỷ lệ lạm phát sụt giảm bởi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ, nhu cầu dầu thô toàn cầu giảm mạnh, kéo theo tổng cầu suy giảm ở Việt Nam và tốc độ tăng giá của nền kinh tế sụt giảm vào hai năm 2009, 2010. Thế nhưng, ngay khi chính sách kích thích nền kinh tế bơm tiền quá mức cùng với giá dầu thế giới phục hồi do các gói kích cầu khổng lồ của các nước: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản..., tỷ lệ lạm phát cao quay trở lại, khoảng mức 20% vào năm 2011. Sau thời điểm này, tỷ lệ lạm phát bắt đầu giảm dần và duy trì ở mức thấp từ năm 2013 cho đến năm 2018.

Quan sát kỹ, năm 2018 vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể làm tăng giá dầu như: mâu thuẫn giữa Iran với các nước phương Tây, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) họp lại và quyết định giữ sản lượng để ngăn giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh trên, nước Mỹ vẫn nổi lên như một nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thực hiện chủ trương duy trì sản lượng dầu và giữ cho giá dầu ở mức thấp.

Thực tế cho thấy, khi giá dầu thế giới ở mức cao, tỷ lệ lạm phát Việt Nam sẽ ở mức cao và ngược lại, khi giá dầu thế giới rơi xuống mức thấp, tỷ lệ lạm phát Việt Nam cũng nằm ở mức thấp. Vì thế có thể khẳng định, giá dầu thế giới thấp năm 2018 đã góp phần không nhỏ trong việc giữ cho tỷ lệ lạm phát nước ta đạt mục tiêu đề ra.

Lạm phát 2019 sẽ thế nàokhi giá dầu vẫn là ẩn số?

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018 vừa qua, trước thực trạng giá dầu tăng mạnh, có thể lên đến 100 USD/thùng, trong khi việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục lại bị trì hoãn quá lâu, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt mục tiêu lạm phát năm 2019 là "khoảng 4%" thay cho mức "dưới 4%" như trong năm 2018. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, tại kỳ họp Chính phủ cuối năm 2018, mục tiêu lạm phát lại được điều chỉnh về mức "dưới 4%" như trước đây. Nguyên nhân chính là do giá dầu đã giảm mạnh trong 2 tháng qua, từ mức trên 70 USD/thùng xuống còn dưới 50 USD/thùng. Với việc giảm giá này, lạm phát tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong tháng 10/2018. Các chuyên gia đánh giá, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019.

TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính - nhận định: mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3%, sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp này sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm, cũng như lạm phát trung bình của cả năm 2019.

Những phân tích trên có thể khiến nhiều người tin rằng, yếu tố thuận lợi để đảm bảo cho Việt Nam giữ tỷ lệ lạm phát ở mức thấp là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn không ít rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là những rủi ro đến từ bên ngoài.

Với nhiều chuyên gia, khi hoạch định chính sách lạm phát cho năm tiếp theo, giá dầu thế giới vẫn luôn là ẩn số lớn nhất, vì chỉ riêng trong tháng 10 năm 2018, giá xăng dầu thế giới tăng đã góp phần làm CPI nước ta tăng 0,33%. Hiện tại, đa số chuyên gia đều dự đoán: trong năm 2019 giá xăng dầu sẽ tăng.

Thứ nhất, xung đột chính trị thế giới tại các khu vực sản xuất dầu lớn như: Iran, Ả Rập Xê-út, Nga… có thể làm giá dầu tăng mạnh bất cứ lúc nào.

Thứ hai, mặc dù Mỹ hiện đang là nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới và góp phần duy trì giá dầu ở mức thấp. Giá dầu thấp này sẽ đem lại nhiều lợi thế cho các nước nhập khẩu dầu (như Trung Quốc) và đem lại bất lợi cho các nước sản xuất dầu lớn như Nga, Iran. Vậy nhưng, với những quyết sách khó đoán định của Tổng thống Donald Trump, chính sách dầu mỏ của Mỹ có thể đảo chiều một cách khó đoán định.

Hiện nay, chỉ một số ít nước sản xuất dầu lớn như các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hay Mỹ là có thể kiểm soát phần nào giá dầu thế giới, còn lại các nước khác, trong đó có Việt Nam, việc kiểm soát này là không thể. Đối với biến động giá dầu, Việt Nam chỉ có thể đón nhận như yếu tố ngoại sinh.

Ngoài yếu tố ngoại sinh, năm 2019, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu thêm một tác động mới, đó là việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần theo Nghị quyết về tăng thuế bảo vệ môi trường được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/9/2018. Với mức tăng kịch trần đối với xăng lên đến 4.000 đồng/lít, dầu lên 2.000 đồng/lít từ ngày 01/01/2019, thuế bảo vệ môi trường sẽ trực tiếp đẩy giá xăng dầu đi lên.

Tuy vậy, năm 2019 cũng là năm có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc bình ổn giá mặt hàng này, chẳng hạn: chủ trương nâng cao tính cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu, xu hướng điều chỉnh giá linh hoạt, mức độ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ xăng dầu nội địa… Đây là những nhân tố không kém phần quan trọng, có tác động rất lớn trong vấn đề ổn định giá cả trong nước.

Theo khuyến nghị của giới chuyên gia, để giảm bớt sức ép đến từ những yếu tố ngoại sinh như giá xăng dầu, Chính phủ Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, cần phải có những chính sách vĩ mô hợp lý như: điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; tiếp tục thực hiện các nỗ lực giảm bội chi, kiểm soát chặt chẽ chi và tăng thu ngân sách; có lộ trình gia tăng áp lực cạnh tranh lành mạnh trên các thị trường hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá như điện, xăng dầu,… Cần phải làm sao để mỗi lần điều chỉnh giá, phí, các mặt hàng thuộc diện này sẽ không làm thị trường giá cả chao đảo vì những cú sốc lớn.

ĐINH HIỀN
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019