Kiểm toán hợp tác xã: Nhu cầu cần thiết nhưng còn quá nhiều rào cản
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 14/01/2019
(BKTO) - Mô hình hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam đã trải qua một thời gian dài tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi như hiện nay, mô hình này đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ từ bản chất để phù hợp với những yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như tăng cường niềm tin của thành viên tham gia. Từ đây, nhu cầu kiểm toán HTX đã phát sinh.
Kiểm toán hợp tác xã được hình thành từ nhu cầu tự thân
Theo Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2017, cả nước có 19.487 HTX đang hoạt động với hơn 6,4 triệu thành viên, trong đó có 2.226 HTX thành lập mới; giải thể 785 HTX do làm ăn không hiệu quả, ngừng hoạt động. Có một nghịch lý là trong khi trên thế giới, mô hình HTX vẫn hoạt động hiệu quả, các hộ nông dân, thợ thủ công, DN siêu nhỏ hợp tác với nhau để tăng sức mạnh đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao, thì tại Việt Nam, mô hình HTX lại không thực sự thu hút sự tham gia của người dân.
Có rất nhiều lý do giải thích cho vấn đề trên, nhưng nổi bật nhất vẫn là tâm lý ngần ngại với mô hình HTX theo kiểu cũ "cha chung không ai khóc", mặc dù Luật HTX với mô hình HTX kiểu mới đã ra đời… Cùng với đó, sự thiếu niềm tin vào tính minh bạch trong hoạt động và thu chi của HTX cũng dễ dẫn đến tâm lý nghi ngờ, ít đạt được sự đồng thuận trong các hoạt động chung. Với bối cảnh như vậy, muốn phát triển, HTX cần phải đảm bảo tính tự nguyện, minh bạch theo đúng bản chất, nguyên tắc, giá trị cũng như làm tăng niềm tin của các thành viên vào cơ chế quản lý. Con đường hiệu quả nhất để đạt đến mục tiêu này chính là thông qua hoạt động kiểm toán HTX.
Trong 3 loại hình kiểm toán hiện nay, loại hình kiểm toán nội bộ (KTNB) được cho là phù hợp với mục tiêu kiểm toán HTX hơn loại hình KTNN và kiểm toán độc lập. Theo các chuẩn mực của IIA (Viện KTNB quốc tế), KTNB có mục tiêu trợ giúp cho các thành viên của tổ chức thực hiện được trách nhiệm một cách hiệu quả; trang bị cách thức phân tích, đánh giá các đề xuất, khuyến nghị và thông tin liên quan tới hoạt động xem xét lại. Mục tiêu KTNB còn đưa ra khung kiểm soát hiệu quả ở mức chi phí hợp lý. Như vậy có thể thấy rằng, KTNB được hình thành và phát triển từ nhu cầu tự thân của chính các tổ chức và thực thể kinh tế, do đó, loại hình này được coi là tối ưu cho mục tiêu kiểm toán HTX ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hoạt động kiểm toán nội bộtrong hợp tác xã còn nhiềurào cản
Mặc dù lợi ích từ hoạt động KTNB mang lại cho các HTX cũng như các liên minh HTX là khá rõ ràng nhưng quá trình hình thành và hoạt động của KTNB cho các HTX tại Việt Nam vẫn còn có những rào cản, bao gồm từ vấn đề nhận thức cho đến các yếu tố về nhân lực, chi phí cũng như các quy định pháp lý cho các hoạt động này.
Rào cản trong nhận thức của HTX
Đối với HTX, KTNB là hoạt động mang tính khoa học, chặt chẽ với những phương pháp tiếp cận khá mới mẻ. Trong khi đó, với tâm lý "ngại thay đổi", hoặc "chưa quen" với phương pháp làm việc như vậy, nhiều cán bộ HTX phải mất không ít thời gian để hiểu và hợp tác cùng hệ thống. Bên cạnh đó, không ít thành viên HTX còn có tâm lý e ngại trước những hoạt động mang tính kiểm soát. Với mục tiêu hỗ trợ HTX vận dụng phương pháp có hệ thống mang tính kỷ luật nhằm đánh giá, nâng cao hiệu quả của quy trình quản trị, quản lý rủi ro, KTNB được xác định là phòng tuyến hàng đầu chống lại gian lận. Do đó, sẽ rất khó cân bằng giữa việc kiểm tra các hoạt động tài chính của HTX mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích của một số cá nhân liên quan. Do không được đào tạo và thiếu tuyên truyền, phần lớn thành viên hội đồng quản trị HTX đã không nhận thức đầy đủ về lợi ích của hoạt động hạch toán kế toán và báo cáo tài chính đối với HTX.
Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật HTX đã đề cập việc các HTX, liên hiệp HTX thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật. Trong HTX, hoạt động KTNB có thể được trao cho Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, Ban Kiểm soát khó có thể thực hiện được chức năng này bởi thiếu trình độ và không được đào tạo. Ngoài ra, Ban Kiểm soát và Hội đồng quản trị cũng chưa nhận thức được vai trò và sự cần thiết của KTNB đối với hoạt động của HTX.
Rào cản về đội ngũ nhân lực kiểm toán
Ở Việt Nam hiện nay, chất lượng và số lượng đội ngũ kiểm toán viên nội bộ chưa ở mức mong muốn. Tình trạng này tồn tại ngay cả với những đơn vị tiên phong trong việc thiết lập bộ phận kiểm toán nội bộ như các ngân hàng. Với Liên minh HTX tại các tỉnh - tổ chức vốn phải chịu cơ chế quản lý tài chính theo kiểu cấp phát, số lượng kiểm toán viên nội bộ càng rất hạn chế, chủ yếu chỉ là cán bộ kiêm nhiệm và chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng KTNB. Rào cản này ít nhiều sẽ dẫn đến những hạn chế trong kết quả kiểm toán, từ đó tạo ra những "khoảng cách" giữa "kỳ vọng quản lý" và "khả năng thực tế của đội ngũ KTNB".
Rào cản về chi phí kiểm toán
Áp lực tự chủ về tài chính buộc các nhà quản lý trong HTX phải có sự cân nhắc chính xác hơn cho mỗi khoản chi tiêu thường xuyên. Do vậy, bài toán về chi phí và lợi ích luôn được đặt ra để tìm câu trả lời cho việc có thiết lập và duy trì bộ phận KTNB trong mỗi đơn vị hay không. Trong khi các khoản chi phí thì rõ ràng và phát sinh đều đặn, thường xuyên thì lợi ích do bộ phận này mang lại còn chưa được lượng hóa một cách cụ thể. Vì thế, việc thành lập bộ phận KTNB trong ban quản trị HTX dường như là không khả thi. Nếu có bộ phận được thành lập với một vài hình thức khác thì việc bị giới hạn các khoản chi phí cho hoạt động kiểm toán đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của hoạt động này.
Rào cản về quy định pháp lý
Hoạt động KTNB nói chung và hoạt động kiểm toán HTX nói riêng còn rất thiếu các quy định pháp lý. Riêng đối với HTX, Khoản 3, Điều 61 của Luật HTX năm 2012 mới chỉ ghi: "Việc kiểm toán HTX, liên hiệp HTX do Chính phủ quy định". Tiếp theo, tại Điều 22 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, nội dung này cũng chỉ được đề cập dưới hình thức "khuyến khích HTX, liên hiệp HTX thực hiện KTNB". Do mới chỉ mang tính "khuyến khích", cộng với tính pháp lý thấp trong các kết luận của KTNB, nhiều HTX cho rằng lợi ích ngắn hạn mang lại từ hoạt động của bộ phận này không vượt qua được chi phí cho chính nó. Đồng thời, việc thiếu những hướng dẫn từ các văn bản pháp lý cũng khiến các đơn vị không có những cơ sở nền tảng để xây dựng và duy trì cho các hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực này. (Còn tiếp)
NGÔ THỊ THU HẰNG
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019