Các thành quả đáng tự hào của Kiểm toán nhà nước có công lao rất lớn của các thế hệ hưu trí

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:19, 17/12/2024

(BKTO) - Đây là khẳng định của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại buổi Gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực phía Bắc nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 do Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức sáng nay (17/12), tại Hà Nội.
17-tong-ktnn.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ tri ân các thế hệ hưu trí của KTNN. Ảnh: M.THUÝ

Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Đỗ Bình Dương - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước; Nguyễn Hữu Vạn - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước.

Buổi gặp mặt còn có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị; các công chức, viên chức, người lao động của KTNN đã nghỉ hưu từ khu vực Đà Nẵng trở ra.

10 kết quả nổi bật năm 2024 của Kiểm toán nhà nước

Tại buổi gặp mặt, báo cáo Kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KTNN đến 2030; đặc biệt là năm toàn Ngành thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập KTNN với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Năm 2024 cũng là năm KTNN quyết liệt triển khai các quy định của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, của Tổng Kiểm toán nhà nước, toàn Ngành đã hoàn thành toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

17-pho-tong-ktnn-my-dung.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung báo cáo Kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của KTNN. Ảnh: M.THUÝ

Báo cáo một số kết quả nổi bật của Ngành, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, trước hết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Ngành ngày một hoàn thiện. Đến nay, KTNN đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng các văn bản; trong đó Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký ban hành Hệ thống chuẩn mực KTNN với 43 chuẩn mực, tăng thêm 04 chuẩn mực so với Hệ thống chuẩn mực KTNN ban hành năm 2016; đã tổ chức rà soát và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN;

Thứ hai, chất lượng kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán ngày một nâng cao. Với phương châm “gọn nhưng chất lượng”, năm 2024, KTNN đã xây dựng 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023. Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024 đã bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm; đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN các cấp phục vụ Quốc hội, HĐND phê chuẩn quyết toán NSNN; kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia; có ý kiến tham gia hiệu quả vào dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia năm 2025.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, chú trọng chất lượng kiểm toán. Tính đến 30/11/2024, KHKT đã được tổ chức thực hiện cơ bản đảm bảo mục tiêu, tiến độ và chất lượng. Theo kết quả các báo cáo kiểm toán (BCKT) đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển 02 hồ sơ để các cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm rõ, đồng thời cung cấp 308 BCKT và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội. Số liệu thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đến nay đạt tỷ lệ 82%.

Thứ ba, tổ chức thành công các sự kiện 30 năm thành lập Ngành KTNN. Đảng ủy, lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước xác định đây là dịp để phát huy truyền thống vẻ vang 30 năm xây dựng và phát triển ngành KTNN. Toàn Ngành không ngừng cố gắng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong chặng đường tới cũng như tri ân những công lao, cống hiến của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN.

“Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất được tổ chức ngày 11/7/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã thành công tốt đẹp. Tại buổi Lễ này, KTNN vinh dự được đón nhận tình cảm trân quý của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, đại diện các đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế và đặc biệt là của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN qua các thời kỳ. Đây là những người đã có công lao xây dựng, phát triển Ngành trong suốt 30 năm qua” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Thứ tư, lần đầu tiên Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước được Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước ghi nhận đúng trọng tâm, trọng điểm và đánh giá cao.

Thứ năm, công tác tổ chức cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng được Đảng ủy, lãnh đạo KTNN quan tâm, tinh gọn, hiệu quả và tập trung đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong năm 2024, KTNN đã thành lập Ban rà soát, đánh giá và cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc; đã đề xuất và được UBTVQH ban hành Nghị quyết về việc thành lập Cục Công nghệ thông tin trực thuộc KTNN.

Thứ sáu, KTNN tăng cường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với cơ quan KTNN các nước, các tổ chức quốc tế; chủ động, tích cực tham gia hoạt động các nhóm công tác của INTOSAI; tích cực tham gia các cuộc họp, hội thảo chuyên môn của ASOSAI; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của ASEANSAI. Vị thế, vai trò của KTNN trong trường quốc tế được bạn bè các nước ghi nhận qua việc KTNN Việt Nam trong năm 2024 đã vinh dự được bầu là thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027; tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao INTOSAI.

Thứ bảy, Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết liệt chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của KTNN; tăng cường trao đổi, kết nối, chia sẻ dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán nhằm từng bước thực hiện kiểm toán trong môi trường số.

Thứ tám, công tác tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ, đảm bảo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước về hoạt động của Ngành KTNN.

Thứ chín, KTNN đã tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất trong Ngành.

Thứ mười, KTNN luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng đời sống của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; kịp thời tháo gỡ khó khăn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên KTNN đã tích cực triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện với tổng kinh phí 5,696 tỷ đồng.

17-toan-canh-2.jpg
Các đại biểu dự buổi Gặp mặt. Ảnh: M.THUÝ

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, KTNN xác định phương hướng hoạt động trong năm 2025 là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, chất lượng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN với phương châm “An toàn - Uy tín”; đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN.

Thứ hai, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng các yếu tố để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ KTNN, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thứ ba, tổ chức xây dựng và thực hiện KHKT năm 2025 an toàn, uy tín, chất lượng.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện công khai kết quả kiểm toán và thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng.

Thứ năm, rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc tinh gọn, chuyên nghiệp và phù hợp với xu thế, bối cảnh, tình hình mới. Bên cạnh đó có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, để thu hút nhân tài; thực hiện hợp lý công tác luân chuyển cán bộ theo quy định.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới công tác đào tạo và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ bảy, đẩy mạnh chất lượng công tác hợp tác quốc tế của KTNN, vai trò và trách nhiệm của KTNN trong INTOSAI, ASOSAI và ASEANSAI, nhất là thực hiện vai trò là thành viên của Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027; rà soát, đánh giá và thực hiện đầy đủ các thoả thuận hợp tác quốc tế song phương; tham gia đầy đủ, trách nhiệm và hiệu quả Nhóm công tác của ASOSAI, INTOSAI.

Thứ tám, tăng cường cải cách hành chính gắn với việc ứng dụng CNTT về chuyển đổi số vào hoạt động công vụ. Tiếp tục triển khai việc thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ chín, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán viên trong thời kỳ mới.

Thứ mười, tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội.

17-quang-canh-gap-mat.jpg
Quang cảnh buổi Gặp mặt. Ảnh: M.THUÝ

Trân trọng biết ơn, đánh giá cao sự đóng góp của các thế hệ hưu trí

Đại diện các thế hệ hưu trí phát biểu tại buổi gặp mặt, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi, chúc mừng những thành quả mà toàn Ngành đã đạt được trong năm 2024, đồng thời đề xuất một số giải pháp để Ngành thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, buổi gặp mặt là truyền thống hằng năm của KTNN mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây là dịp để những người đang công tác tại KTNN được thăm hỏi, tri ân, báo cáo kết quả công việc trong năm, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các thế hệ đi trước đối với Ngành.

Năm 2024, KTNN được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tín nhiệm, giao thêm việc cho ý kiến đối với các nhân sự được bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, quy hoạch với các chức danh mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đến nay, KTNN đã cho ý kiến hơn 500 nhân sự. Điều này càng khẳng định vai trò, vị thế của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Điểm lại kết quả của năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, các thành quả đáng tự hào mà Ngành đã đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, còn có sự quan tâm, động viên của các đồng chí nguyên lãnh đạo KTNN và các cán bộ hưu trí qua các thời kỳ.

“Năm 2025 là năm về đích của Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, KTNN phải làm thế nào để khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong bối cảnh mới" - Đây là câu hỏi lớn đặt ra, đồng thời cũng là yêu cầu buộc toàn Ngành phải có những giải pháp căn cơ, phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ trong năm bản lề đặc biệt quan trọng này.

Đồng tình với ý kiến của nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, KTNN phải khẳng định được vai trò của mình trong việc đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Để làm được điều này, KTNN cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Ngành, đặc biệt là việc triển khai thực hiện 43 Chuẩn mực KTNN vừa ban hành, đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi quy trình, quy chế trong giai đoạn mới” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, toàn Ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, từ việc rà soát, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ đến việc bố trí con người; quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, rèn luyện đội ngũ, từ trình độ chuyên môn nghiệp vụ đến đạo đức công vụ. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán.

Khẳng định lãnh đạo KTNN luôn luôn trân trọng, biết ơn, đánh giá cao sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức KTNN qua các thời kỳ, Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý toàn diện của các đồng chí cán bộ hưu trí trong thời gian tới để toàn Ngành nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh mới.

“Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, thay mặt lãnh đạo KTNN, xin kính chúc toàn thể cán bộ hưu trí của KTNN qua các thời kỳ mạnh khoẻ, hạnh phúc và tiếp tục quan tâm tới sự phát triển của Ngành trong thời gian tới” - Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ.

* Ngày 20/12 tới đây, KTNN sẽ tổ chức buổi Gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực phía Nam (từ Khánh Hoà trở vào) nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025./.

XUÂN HỒNG - MINH THUÝ