Đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí trong ngành xây dựng
Kinh tế - Ngày đăng : 13:32, 18/12/2024
Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong thời gian qua Bộ đã ban hành các chương trình hành động của ngành xây dựng, trong đó đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, hiệu quả quản lý nhà nước ngành xây dựng được nâng cao; ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ; việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng tài sản công ở các đơn vị thuộc Bộ đúng định mức, tiết kiệm.
Cụ thể như, đã thực hiện phân cấp thẩm quyền thẩm định một số loại công trình, dự án cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương và chủ đầu tư; phân cấp thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương đối với một số công trình. Quán triệt về thực hiện chi tiêu tiết kiệm, Bộ Xây dựng đã thực hiện tiết kiệm dự toán chi thường xuyên, cắt giảm 5% chi thường xuyên năm 2024; đồng thời nghiêm túc thực hiện kế hoạch tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, theo đó, hiện còn 15 đơn vị và thực hiện tổ chức lại 21 đơn vị.
Về cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đang cung cấp 38 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý ngành xây dựng, trong đó có 29 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 09 dịch vụ công trực tuyến một phần…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Bộ Xây dựng đánh giá vẫn còn tồn tại một số dạng thức của lãng phí như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, lãng phí các nguồn lực; thủ tục hành chính còn gây lãng phí thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm…
Để thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí, hướng tới xây dựng ngành xây dựng thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã đề ra một số giải pháp trọng tâm.
Một là, tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng có liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí như: công tác ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật; lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, giám định chất lượng công trình, quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng…
Đồng thời, quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; nghiên cứu, xây dựng định hướng chiến lược phòng, chống lãng phí trong ngành xây dựng. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Hai là, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Theo đó, thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành xây dựng, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí; cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để chống lãng phí.
Đồng thời, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; rà soát, sửa đổi, tối ưu hóa quy trình làm việc đảm bảo khoa học, hiệu quả; nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng; tập trung nghiên cứu, triển khai, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội; rà soát, hoàn thiện tinh gọn bộ máy tổ chức để hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Ba là, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, quyết định chủ trương đầu tư; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án để chống lãng phí, thất thoát. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án; công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đôn đốc hoàn thành công trình đúng tiến độ; đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn (nếu có).
Cùng với đó là đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phát triển của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.../.