Xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch thành trung tâm hoạt động văn hóa quốc gia
Xã hội - Ngày đăng : 14:46, 18/12/2024
Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư vào Làng VHDL. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Làng VHDL xuất phát từ mục đích, yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung và đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng của Làng VHDL các dân tộc Việt Nam theo quy hoạch nói riêng.
Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng Làng Văn hóa thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia; tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Quy hoạch chung của Làng gồm 7 khu chức năng: Khu trung tâm thể thao, vui chơi giải trí (125,22ha); Khu các Làng dân tộc (198,61ha); Khu di sản văn hóa thế giới (46,50ha); Khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); Khu công viên bến thuyền (341,53ha); Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); Khu quản lý điều hành văn phòng (78,5ha).
Trong đó, các hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng bao gồm: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của dự án; Hệ thống cây xanh, cảnh quan; Khu các làng dân tộc.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, thời gian vừa qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn được Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo triển khai rất nhiều những hoạt động xuất phát từ vị trí yêu cầu chức năng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Làng Văn hóa ngay từ khi mới thành lập.
Với hai mục tiêu cơ bản là xây dựng Làng VHDL các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia để tập trung tái hiện gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam và đáp ứng các nhu cầu về vui chơi, giải trí hoạt động thể thao văn hóa cho Nhân dân trong nước và du khách quốc tế, Bộ VHTTDL và Làng Văn hóa đã nỗ lực để từng bước hình thành những nét chấm phá và đặc biệt là những thiết chế quan trọng thể hiện được tinh thần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian vừa qua.
Làng Văn hóa có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích mặt đất và diện tích mặt hồ rất thuận lợi cho việc đầu tư đa dạng phong phú các loại hình về văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ người dân. Đặc biệt, lợi thế quan trọng hơn, Làng Văn hóa là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa, nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc các địa phương. Đó là những điều kiện thuận lợi để đầu tư, kết nối và mở ra rất nhiều hoạt động mới tại Làng Văn hóa.
“Đầu tư cho văn hóa theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, đó chính là đầu tư cho sự phát triển. Việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng làng VHDL các dân tộc Việt Nam đã được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm và đã có những công trình, những hoạt động rất cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển tại Làng Văn hóa” - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh./.