Ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vươn tầm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 19/12/2024
Bao quát các đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 là bổ sung mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông dành cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng, thay vì mức chung 20% như hiện nay. Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% nêu trên là tổng doanh thu của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trước liền kề.
Đề xuất này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hiện nay. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) - đánh giá việc bổ sung mức thuế suất ưu đãi 15 và 17% áp dụng cho DN nhỏ và siêu nhỏ là một bước đi tích cực nhằm hỗ trợ nhóm DN này; giúp DN giảm gánh nặng, cải thiện dòng tiền, duy trì hoạt động và mở rộng khả năng sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình và nhiều đại biểu có chung nhận định, ngưỡng doanh thu 3 tỷ đồng thuế suất 15% là quá thấp so với thực tế kinh doanh của nhiều DN siêu nhỏ, đặc biệt ở các lĩnh vực như dịch vụ thương mại hoặc các ngành có chi phí cao. Điều này hạn chế số lượng DN đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế. Mặt khác, khoảng cách giữa ngưỡng doanh thu 3 tỷ đồng và 50 tỷ đồng có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa 2 nhóm nhưng chỉ chênh lệch 2% thuế suất, tạo cảm giác bất bình đẳng. Do đó, đại biểu đề nghị tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 15% từ 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng để phù hợp hơn với thực tế hoạt động của DN siêu nhỏ, đồng thời, tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 17% từ 50 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng để bao quát thêm các DN nhỏ có tiềm năng phát triển.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện ưu đãi thuế có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 12.600 tỷ đồng/năm (áp dụng thuế suất 15% đối với DN siêu nhỏ sẽ làm giảm thu khoảng 8.700 tỷ đồng/năm, áp dụng thuế suất 17% đối với DN nhỏ sẽ làm giảm thu khoảng 3.900 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, số giảm thu này sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác, vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư. Việc giảm thuế cũng sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh, DN nhỏ và vừa đang chiếm khoảng 97% tổng số DN ở nước ta và Luật Thuế TNDN tác động rất lớn đến đối tượng DN này. Mặc dù vậy, đại biểu cho rằng, việc thuế giảm 15% cho DN có ngưỡng doanh thu không quá 3 tỷ đồng là "không giải quyết được gì". Bởi, nếu chia ra, trong một ngày DN đó doanh thu chưa đến 10 triệu, tức là tương đồng với các hộ kinh doanh cá thể. Đại biểu Thân đề nghị cần có quy định phù hợp hơn, không nên quy định áp thuế cứng 15%.“Nếu làm được như vậy thì DN sẽ rất phấn khởi, DN không phải tập trung đầu tư vào việc kết toán và báo cáo thuế nữa. Cách làm này cũng sẽ khuyến khích hộ kinh doanh tham gia vào DN” - đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) đề nghị, để thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định bổ sung mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông ưu đãi cho các đối tượng DN nhỏ và vừa theo thời gian xác định, đảm bảo các DN nhỏ và vừa đều được hưởng chính sách ưu đãi.
Tránh lạm dụng chính sách
Khẳng định sự cần thiết phải có chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa song nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tiêu chí, căn cứ để xác định DN được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong Dự thảo Luật. Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, việc lấy doanh thu làm căn cứ xác định DN nhỏ và vừa hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN là chưa thực sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của DN. Đồng thời, với cùng quy mô DN, một số ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ có thu nhập cao hơn, không đảm bảo công bằng giữa các DN cùng quy mô. Đặc biệt, đại biểu lo ngại, việc lấy doanh thu làm căn cứ ưu đãi thuế cũng sẽ dẫn tới nguy cơ DN “không chịu lớn” khi luôn muốn thành lập mới hoặc chia nhỏ để giảm quy mô doanh thu nhằm được hưởng về ưu đãi thuế. “Căn cứ để xác định DN nhỏ và vừa hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN nên căn cứ vào ngưỡng thu nhập thay vì căn cứ vào doanh thu” - đại biểu Trung đề xuất.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cũng nhận định, việc ưu đãi thuế dựa vào căn cứ doanh thu như Dự thảo Luật sẽ sinh ra tình trạng DN “xé nhỏ”, tạo ra nhiều công ty con; không loại trừ DN lớn hóa nhỏ hoặc DN có doanh thu ở mức “mấp mé” để được hưởng lợi thuế.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, thay vì chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu như Dự thảo Luật thì cần sử dụng thêm các tiêu chí khác như số lao động, vốn đăng ký hoặc tổng tài sản…để phân loại DN; đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh tình trạng DN chia tách hoặc chuyển giá nhằm lách luật, kết hợp với thanh tra, giám sát từ cơ quan thuế. Đại biểu cũng đề xuất áp dụng lộ trình tăng dần mức thuế suất khi DN vượt ngưỡng doanh thu, ví dụ từ 15% lên 16% hoặc từ 17% lên 18% thay vì tăng đột ngột lên 20% để tránh tạo áp lực lớn khi DN mở rộng quy mô.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị miễn giảm thuế 3 năm đầu cho DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời cân nhắc giảm thuế suất xuống 18% cho các DN, để khuyến khích DN lớn mạnh, tránh tình trạng DN cứ kê khai doanh thu dưới 3 tỷ đồng và dưới 50 tỷ đồng để hưởng thuế TNDN thấp hơn, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý./.