Thu ngân sách của Vùng trung du, miền núi phía Bắc đạt 89,2 nghìn tỷ đồng, nhiều địa phương vượt dự toán
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 19/12/2024
Tăng trưởng GDP của Vùng cao nhất cả nước
Theo Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao nhất cả nước, một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (cao nhất cả nước với mức tăng trưởng là 13,85%), Phú Thọ (9,53%), Tuyên Quang (9,04%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người của Vùng đạt khoảng 76 triệu đồng/người.
Cơ cấu GDRP của Vùng chuyển dịch khá tích cực, cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 80,9% GRDP; đóng góp của 2 ngành này chiếm 8,7% điểm tăng trưởng GRDP của Vùng trong năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu đến hết tháng 11 năm 2024 toàn Vùng đạt trên 72 tỷ USD; tổng thu thuế xuất nhập khẩu đạt 15.398 tỷ đồng, tăng 25,8% so với dự toán giao, trong đó tập trung vào các địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc như Hà Giang (tăng 96,8%), Cao Bằng (tăng 20,7%), Lạng Sơn (tăng 45%)... Kết quả này cho thấy, thương mại qua biên giới đang có dấu hiệu khởi sắc.
Đáng chú ý, theo cơ quan Thường trực Hội đồng điều phối vùng, môi trường kinh doanh của Vùng được cải thiện, toàn vùng có 5/14 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất (Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai). Đến năm 2024, toàn vùng đã có 37 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 26 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lập đầy hơn 67% diện tích. Số doanh nghiệp hoạt động, kê khai thuế toàn Vùng vào khoảng trên 44 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng gần 2.000 doanh nghiệp so với năm 2023; thu hút 90 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,8 tỷ USD (tập trung vào các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ).
Hội đồng điều phối Vùng cũng ghi nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Vùng đạt khá, 11 tháng đạt 69% (cả nước bình quân 60%), đứng thứ 2 trong cả nước sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long; toàn Vùng có 9/14 địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Đức Tâm
Tỷ lệ nghèo đa chiều của Vùng năm 2024 giảm 3,1%, mạnh nhất trong 6 Vùng, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Vùng xuống còn 15,1%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 1.043 xã, đạt tỷ lệ khoảng 51,8%.
Toàn Vùng duy trì được hơn 5,4 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,04%, đạt mục tiêu Nghị quyết 11 và chỉ đứng sau vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ (54,23%).
Một số kế hoạch, đề án lớn của Vùng đã được phê duyệt như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). 05 đề án phát triển cụm liên kết ngành, hạ tầng thương mại, tái cơ cấu ngành công nghiệp thương mại của Vùng đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Thương mại Trung Quốc về thành lập nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc…
Ngoài ra, 18 dự án trọng điểm của Vùng đã và đang triển khai thực hiện, một số dự án quy mô lớn đã khởi công, triển khai như: cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu; đang triển khai thủ tục đầu tư các dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cảng hàng không Sa Pa; Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến…
Đối mặt nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, Tại Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc diễn ra chiều 18/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, nhìn lại năm 2024, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, kinh tế của Vùng tuy tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm 8% so với cả nước, 13/14 địa phương trong Vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chưa dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế (23,56% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; 39% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; 72% lao động có việc làm nhưng phi chính thức). Tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhất so với các Vùng trong cả nước.
Hạ tầng giao thông kết nối vẫn là điểm nghẽn của Vùng, chưa kết nối được với Vùng Thủ đô, ra các cảng biển, đường sắt chưa kết nối được với Trung Quốc và ra quốc tế; Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của Vùng còn chậm, như tuyến Hòa Bình - Mộc Châu, điều chỉnh cao tốc Hà - Giang Tuyên Quang, hầm Hoàng Liên…
Liên kết hợp tác phát triển Vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp, chưa tạo ra được chuỗi sản xuất, kinh doanh mang nét đặc trưng của vùng, nhất là trong phát triển du lịch; Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng chưa được xây dựng.
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vùng chưa được ban hành, một số nhiệm vụ, đề án cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển Vùng còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra.
Đề cập đến công tác điều phối Vùng năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, các địa phương đã gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ, nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến, điều phối chung đã được triển khai. Một số hoạt động điều phối vùng bước đầu đã phát huy hiệu quả như hoạt động điều phối thực hiện một số tuyến cao tốc trọng điểm trên địa bàn; các mô hình hợp tác du lịch giữa Cao Bằng và Trung Quốc, mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn đã triển khai đi vào cuộc sống.
Mặc dù vậy, một số nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch hoạt động còn thực hiện chậm so với yêu cầu, đến nay đã cơ bản hoàn thành 8/17 nhiệm vụ; các nhiệm vụ đã được Bộ, ngành và địa phương trình Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt, như Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng Trung du miền núi phía Bắc giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045; 05 Đề án của Bộ Công Thương về chính sách thương mại biên giới, cụm liên kết ngành Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Một số các nhiệm vụ chưa hoàn thành như xây dựng trung tâm chế biến nông nghiệp, lâm sản gỗ tại Sơn La, Tuyên Quang, báo cáo rà soát, đề xuất chính sách đặc thù Vùng.
Tại Nghị quyết số 96/NQ-CP Chính phủ về chương trình hành động triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã đề ra 15/17 nhiệm vụ, đề án cần trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các năm 2023, đến nay mới có 11 nhiệm vụ, đề án được hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ; 4 nhiệm vụ chuyển sang tiếp tục thực hiện trong năm 2024.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong năm qua, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng và đề xuất các chuyên đề để triển khai liên kết vùng thực hiện trong 2025.
Triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch Vùng, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện 04 nhiệm vụ trong tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch; Chủ động xây dựng các nhiệm vụ, đề án trọng tâm đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 để tổ chức thực hiện.
Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển và điều phối vùng; lựa chọn vấn đề đề xuất Hội đồng điều phối Vùng cho ý kiến; đồng thời nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vùng./.