Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 800 nghìn tỷ đồng
Xã hội - Ngày đăng : 19:59, 19/12/2024
Trong đó, công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được triển khai bài bản, từ làm điểm đến nhân rộng.
Tính đến thời điểm hiện nay, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các nội hàm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được thực hành và triển khai rộng khắp.
Công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiếp tục được chú trọng. Bên cạnh việc định kỳ tổ chức Diễn đàn Quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" và trao giải thưởng công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam", năm 2024, "Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài" lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đã góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với thế giới.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm 2024, thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh. Đặc biệt, Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh.
Cùng với đó, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở.
Công tác thể dục, thể thao (TDTT) Việt Nam dựa trên 2 trụ cột, thể thao cho mọi người với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trên tinh thần "Dân cường - Quốc thịnh". Năm 2024 số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5 % (tăng 0,8% so với năm 2023); cùng 27 hội thi và các giải thể thao quần chúng cấp quốc gia tiếp tục được tổ chức trong năm 2024, thu hút trên 20.000 vận động viên tham dự; từ đó phát hiện, tạo nguồn cho thể thao thành tích cao phát triển.
Thể thao thành tích cao giành được tổng số 482 huy chương Vàng, 360 huy chương Bạc, 372 huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương đồng tại Cúp bóng chuyền nữ thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á. Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam xuất sắc đoạt chức vô địch Đông Nam Á.
Đặc biệt, công tác phát triển du lịch tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là "Điểm đến hàng đầu châu Á"…
Năm 2025, Bộ VHTTDL đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm để "Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững".
Trong đó, kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tực cường, tự hào dân tộc"; tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong từng gia đình, cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các hương ước, quy ước đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, do nhân dân đề xuất, nhân dân tự giác thực hiện.
Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm nhân dân được đón Tết Ất Tỵ vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-Ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.
Triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Phấn đấu năm 2025, ngành du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng./.