Giải bài toán vốn, hiện thực hóa mục tiêu “lợi ích kép” của Đề án lúa chất lượng cao
Xã hội - Ngày đăng : 18:30, 21/12/2024
Giúp giảm chi phí, tăng năng suất và bảo vệ môi trường
Sau 01 năm triển khai, mô hình trồng lúa chất lượng cao và phát thải thấp theo “Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) đã mang lại hiệu quả bước đầu quan trọng cho ngành nông nghiệp tỉnh An Giang.
Kết quả cho thấy, năng suất ruộng trung bình cao hơn mô hình đối chứng 0,1 tấn/ha; lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3,6-5,3 triệu đồng/ha. “Những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ” - ông Hồ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh cho biết.
Đây là minh chứng cụ thể về lợi ích to lớn của Đề án, hiện đang được thí điểm tại một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
So sánh cùng ruộng đối chứng, các diện tích lúa tham gia mô hình giảm được nhiều chi phí đầu vào như: giảm 80kg/ha giống, giảm 50kg/ha phân bón, giảm 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bình quân đạt 6,13 tấn/ha... Mô hình giúp bà con giảm chi phí 1,6 triệu đồng/ha, giảm 399 đồng/kg giá thành sản xuất, lợi nhuận cao hơn 4,2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Bộ NNPTNT
Theo Bộ NNPTNT, năm 2024, Bộ phối hợp các địa phương và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ngoài việc giúp giảm chi phí sản xuất, một điểm nhấn đáng chú ý khác qua triển khai mô hình này, đó là tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp (DN) đăng ký bao tiêu với giá mua với giá cao hơn so với lúa được sản xuất theo mô hình truyền thống, và người nông dân không phải lo bị ép giá...
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, Đề án được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, nếu thực hiện thành công, sẽ là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo.
Sau giai đoạn thí điểm cho đến khi áp dụng đại trà, Đề án sẽ phải triển khai nhiều công việc đồng bộ từ hạ tầng, phương thức canh tác, cơ giới hóa… Bên cạnh đó, còn tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, thương lái để giảm rủi ro về giá cả, thị trường.
“Tính đến thời điểm này, Đề án thí điểm được đánh giá đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đều bày tỏ quan tâm đến Đề án của Việt Nam” - ông Tuấn nói.
Việc thực hiện thành công Đề án này sẽ giúp nâng tầm lúa gạo của Việt Nam. Để đạt được kết quả đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Trong đó, điều rất quan trọng là không chỉ thay đổi nhận thức của người lãnh đạo mà nhận thức của nông dân cũng cần phải thay đổi. Bởi, nông dân vẫn quen với tập quán sản xuất truyền thống, nay trở nên kém hiệu quả
Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)
Theo ước tính, Đề án sẽ tạo ra giá trị mới tương đương khoảng 21 nghìn tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 840 triệu USD/năm. Con số này bao gồm giảm chi phí sản xuất (9,5 nghìn tỷ đồng), tăng giá bán sản phẩm (7 nghìn tỷ đồng), bán tín chỉ carbon (khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng), tận dụng phế phụ phẩm (2 nghìn tỷ đồng). Thu nhập của người dân được dự báo tăng 40%, đồng thời 1 triệu công ăn việc làm cho người nông dân thuộc vùng dự án được đảm bảo, góp phần xây dựng hình ảnh của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Giải quyết nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của tỉnh An Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đề án là cuộc cách mạng về tư duy của ngành lúa gạo trước những thách thức về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, đất đai ngày bị chai cứng do sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, “nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp… để phát triển bền vững” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý một trong những vấn đề toàn ngành cần tập trung thực hiện hiện nay, đó là sớm hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng nông thôn, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để Đề án sớm được triển khai đại trà, sau gia đoạn thử nghiệm tương đối thành công hiện nay.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chỉ rõ khó khăn lớn nhất của đề án là việc kêu gọi nguồn vốn thực hiện, cần khoảng 3 tỷ USD. Con số này sẽ được chi cho hạ tầng, thủy lợi, cũng như nâng cao kỹ năng, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương.
Dự kiến 60% là nguồn vốn xã hội hóa, còn lại khoảng 1,2 tỷ USD sẽ được huy động tài trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…
“Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã cam kết về các khoản vay ưu đãi cho Đề án và Vụ Hợp tác quốc tế đã đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho nguồn vốn vay nước ngoài, đảm bảo thúc đẩy hiệu quả chương trình này” - ông Tuấn nói.
Box: Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các DN nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp;
Giai đoạn 2 (2026-2030), tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Liên quan đến vấn đề hạ tầng triển khai Đề án, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, nhiều vùng sản xuất lúa hiện nay vẫn gặp khó khăn về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai các biện pháp giảm phát thải như phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ.
Mặt khác, chi phí để áp dụng các quy trình canh tác lúa phát thải thấp hiện nay vẫn còn cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều nông dân. Điều này khiến cho việc tiếp cận và thực hiện các biện pháp giảm phát thải trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ.
Trước thách thức về nguồn vốn cho triển khai Đề án, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chính thức triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Theo đó, chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng. Về lãi suất, các khách hàng được hưởng mức lãi suất giảm ít nhất 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thời gian cho vay được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng và mục đích sử dụng vốn.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, với sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng, bài toán vốn cho Đề án sẽ từng bước được giải quyết.
Tuy nhiên, để khai thác tối đa hiệu quả của gói tín dụng này, nhiều đại diện DN, hợp tác xã kiến nghị cần có những quy định, hướng dẫn chi tiết và minh bạch hơn về thủ tục vay vốn, điều kiện tiếp cận cũng như các cơ chế hỗ trợ đi kèm.
Việc đảm bảo cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào các công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.