Hà Nội tiếp tục “chắp cánh” cho công nghiệp hỗ trợ phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 10:03, 20/11/2024
Hà Nội có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Tính đến nay, Hà Nội đã có gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 35% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, các DN công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn và chính sách hỗ trợ.
Hiện Hà Nội tập trung liên kết phát triển 3 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may-da giày; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như: Các khu cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ô tô, xe máy…
Điển hình như Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ngành điện tử như: Công ty Buykane làm ốc vít, Toho làm khuôn mẫu, Aikawa làm chi tiết kim loại dập, Standar làm các chi tiết nhôm… Các khu công nghiệp Nội Bài, Quang Minh tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ô tô, xe máy như: Công ty Fujico làm đĩa phanh xe máy, Kyoei làm khung càng đồ gá cho xe máy, Bright Sakura làm ống xả, Amstrong làm vành và nan hoa, Roki làm bầu lọc gió…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng nhận định, các khu, cụm công nghiệp liên kết này mang lại kết quả và hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu, cụm công nghiệp khác như cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch, gia công đặt hàng, vận tải, cung cấp, xử lý chất thải.
Đặc biệt, Hà Nội cũng tập trung liên kết phát triển 3 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may-da giày; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Công tác liên kết cung ứng, xuất khẩu cũng được thành phố đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đã phát triển trong vùng như: sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Giang); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên); điện tử văn phòng, gia dụng (Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc)…
Đối với công nghiệp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã là những công ty hàng đầu ở Việt Nam cung cấp linh kiện ô tô, chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí và nhựa như: Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu EMTC (cung cấp bộ dụng cụ theo xe và linh kiện dập), Công ty Nhựa Hà Nội (cung cấp linh kiện nhựa cho nội thất xe), Công ty LeGroup (cung cấp linh kiện dập), Công ty HTMP (cung cấp khuôn và linh kiện nhựa), Công ty Cơ khí Đông Anh (cung cấp linh kiện dập). Các công ty này đã xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu.
Tiếp tục “chắp cánh” cho công nghiệp hỗ trợ
Theo Sở Công Thương Hà Nội, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành khác cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực; thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ…
Trong thời gian tới, Hà Nội cũng xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điển hình, để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, thành phố Hà Nội đã có các cơ chế đặc thù như các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí chế tạo, linh kiện ô-tô… được áp dụng thời gian thuê đất lên tới 70 năm. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 15 năm, trong đó miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu...
Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo chuỗi sản xuất cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trên cả nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoàn thành mục tiêu tại Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 05/6/2020 của UBND TP. Hà Nội; khoảng 40% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ra, chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 12%.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở ngành, các địa phương kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hà Nội sẽ tổ chức 2 Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2025 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng/01 hội chợ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hoạt động công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng sẽ được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Đặc biệt là nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu...
Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ tổ chức các Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng.