Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong công nghiệp hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 17:02, 25/12/2024
Hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 (đợt 1). Hội thảo được đồng chủ trì bởi Sở Công thương Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển.
Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có tốc độ phát triển kinh tế cao và duy trì liên tục nhiều năm. Thành phố Hà Nội đã xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển doanh nghiệp vào các ngành mà địa phương có lợi thế.
Trong những năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành hàng loạt các chính sách thúc đấy phát triển công nghệ trên địa bàn thành phố như Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khuyết khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư... giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Mặc dù có những phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn có một khoảng cách khá lớn so với các doanh nghiệp FDI. Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
Do đó, để năng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặc biệt là các khách hàng thế giới, các doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng các giải pháp linh hoạt trong quản lý sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh để đảm bảo kinh doanh liên tục, nâng cao năng suất lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn hơn nữa. Công nghệ IoT và AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Thông tin tại Hội thảo, TS. Chứ Đức Hoàng - Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF) cho biết, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử chỉ đạt 5 - 10%, so với 65 - 70% ở Thái Lan và Malaysia.
Toàn ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 còn rất hạn chế, chỉ chiếm dưới 15%, phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ 2.0 và 3.0.
Trong bối cảnh đó, để năng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thế giới, doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng những giải pháp linh hoạt trong quản lý sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh. Công nghệ IoT và AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
TS. Chử Đức Hoàng cho rằng, quá trình xây dựng dữ liệu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp cần được triển khai một cách có hệ thống và tuần tự thông qua 4 bước cơ bản: Từ việc đánh giá toàn diện hiện trạng và nhu cầu dữ liệu để xác định rõ điểm xuất phát và mục tiêu cần đạt được; Thiết lập hệ thống thu thập và lưu trữ với các quy trình chuẩn hóa, tạo nền tảng vững chắc cho việc quản lý dữ liệu; Phân tích và khai thác dữ liệu, chuyển hóa thông tin thành tri thức hữu ích phục vụ ra quyết định; Tối ưu hóa và phát triển liên tục bảo đảm hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật, mở rộng và tích hợp với xu hướng công nghệ mới.
Dựa trên dữ liệu từ các doanh nghiệp đã triển khai, có thể tiết kiệm 20 - 25% chi phí đầu tư công nghệ, giảm 30 - 40% thời gian đánh giá và lựa chọn công nghệ, đồng thời nâng cao 35 - 40% độ chính xác trong dự báo xu hướng công nghệ. Đặc biệt, tỷ lệ thành công trong các dự án đổi mới công nghệ tăng lên đáng kể, từ 45% lên tới 70 - 75% sau khi áp dụng hệ thống, TS. Chử Đức Hoàng đánh giá.
Theo đại diện Techvify Software, AI đã được ứng dụng thành công trong nhận diện khuôn mặt, tăng cường bảo mật, quản lý kho bãi và tuân thủ quy trình trong khu công nghiệp. Những công nghệ này giúp tự động hóa giám sát, giảm thiểu sai sót và cải thiện hiệu quả vận hành, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Trong tương lai, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích chuyển giao công nghệ IoT/AI sẽ giúp rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và công nghệ xanh.