Sản xuất công nghiệp bứt phá, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 08:55, 26/12/2024
Tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng của phát triển công nghiệp
Năm 2024, khu vực Đông Nam Bộ nổi lên là điểm sáng phát triển công nghiệp với những con số tích cực được ghi nhận. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chỉ số sản xuất công nghiệp của Vùng 10 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng khá cao, lên tới 9,3% - cao hơn mức tăng chung 8,3% của cả nước.
Tiếp nối đà phục hồi, sản xuất công nghiệp đạt những kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Đó là nhờ hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, thu hút FDI khả quan, năng lực của các doanh nghiệp trong nước được cải thiện…
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Nhìn rộng ra những năm qua, kinh tế của Vùng phát triển khá nhanh, đóng góp lớn nhất so với các vùng kinh tế khác về tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của cả nước, trong đó, công nghiệp và thương mại, dịch vụ được xác định là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vùng. Hiện Đông Nam Bộ đóng góp tới 42% tổng thu ngân sách nhà nước và gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định rõ vai trò cực tăng trưởng của cả nước.
Với nguồn hàng hóa dồi dào, đa dạng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vùng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt 4,8% mức tăng bình quân cả nước (8,5%). Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với hầu hết các địa phương trong Vùng đều có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Xuất siêu đạt 4,2 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng thặng dư thương mại của cả nước.
Tuy nhiên, để vươn tới tăng trưởng 2 con số, Vùng Đông Nam Bộ cần bắt kịp xu thế đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng logistics, kho, cảng… Theo khuyến nghị của chuyên gia Bộ Công Thương, để tạo động lực mới, Vùng cần huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, thúc đẩy phát triển thực chất các hành lang công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu là sớm hình thành, phát triển Hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - thương mại, dịch vụ trong bán kính trên dưới 100km so với điểm nút giao thông trọng yếu của Vùng. Đặc biệt, cần hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp và khu công nghiệp chuyên biệt, phát huy thế mạnh công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu; phát triển tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo; chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, tự động hóa, công nghiệp môi trường, chế biến sâu nông, thủy sản…
Trong thu hút đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Vùng nên chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia có năng lực công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị. Việc hoàn thiện chính sách phải tạo lập cơ chế khuyến khích và ràng buộc để các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cùng phát triển, vươn lên, đủ khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp đạt cao nhất từ năm 2020 đến nay
Từ thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với phát triển công nghiệp của Vùng Đông Nam Bộ, nhìn rộng ra có thể thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế đất nước năm 2024.
Báo cáo thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 tăng trưởng, đạt ngưỡng trên 50 điểm (50,8 điểm). Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế của cả nước khi IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,9%) - đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm...
“Điểm danh” nhiều ngành công nghiệp chủ lực có IIP tăng cao, Tổng cục Thống kê nêu rõ, ngành ô tô tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái; thép thanh, thép góc tăng 21,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16%; xăng dầu tăng 15,9%; đường kính tăng 14,8%; thép cán tăng 14,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; sữa bột tăng 11,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11%; điện sản xuất tăng 10%; phân u rê tăng 9%.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tính lan tỏa được thể hiện rõ khi Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo được ghi nhận tăng cao ở Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa. Địa phương có chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng mạnh, gồm: Khánh Hòa, Điện Biên, Cao Bằng, Trà Vinh, Lai Châu, Sơn La và các địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng cao nhất phải kể đến Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Nam...
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, cùng với đà tăng trưởng được hình thành từ cuối năm 2023 nên sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế./.