Bộ Y tế đề xuất chính sách hỗ trợ cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm
Xã hội - Ngày đăng : 13:13, 26/12/2024
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024, mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nhân lực y tế hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tăng cường bổ sung chính sách đặc thù cho đào tạo nhân lực y tế (điển hình như dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe đã trình Chính phủ từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi chưa được ban hành).
Số sinh viên, học viên sau đại học y tăng lên nhiều lần, tuy nhiên số lượng bệnh viện thực hành hầu như không tăng. Cơ hội cho sinh viên, học viên tiếp xúc với bệnh nhân giảm đi rõ rệt.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó có 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện; số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297 người; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178 người.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ Y tế xác định tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế để hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo công tác đào tạo, đào tạo liên tục cán bộ y tế nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Xây dựng và phát triển một số trường đại học đào tạo lĩnh vực sức khỏe trọng điểm ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực y tế làm cơ sở phân tích, dự báo nhân lực y tế, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phân bổ hợp lý theo lĩnh vực, vùng miền.
Đồng thời, từng bước tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực y tế tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thông qua đào tạo, đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn.
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y tế; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm, như: sinh viên ngành y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.