Kiểm kê là một công cụ hữu hiệu để quản lý tốt tài sản công
Kinh tế - Ngày đăng : 15:01, 26/12/2024
Tổng kiểm kê tài sản công là nhiệm vụ chính trị lớn
Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, đến ngày 31/12/2023, có 2.236.543 tài sản với nguyên giá là 2.329.050,13 tỷ đồng được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC. Cụ thể: Tài sản là quyền sử dụng đất 1.293.698,62 tỷ đồng, tài sản là nhà 572.787,08 tỷ đồng; tài sản là vật kiến trúc 64.393,17 tỷ đồng; tài sản là ô tô 23.492,94 tỷ đồng; tài sản là phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô) 1.505,54 tỷ đồng; tài sản là máy móc, thiết bị 219.020,43 tỷ đồng, tài sản là cây lâu năm, súc vật làm việc 656,29 tỷ đồng; tài sản cố định hữu hình khác 19.116,36 tỷ đồng; tài sản cố định vô hình 134.346,54 tỷ đồng; tài sản cố định đặc thù 33,17 tỷ đồng.
Cũng đến ngày 31/12/2023, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC là 66.644 tài sản với tổng nguyên giá 3.817.810 tỷ đồng, giá trị còn lại 2.748.279 tỷ đồng; tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã nhập là 884.380,305 km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn đã nhập là 15.681 công trình, tổng giá trị 38.323 tỷ đồng, giá trị còn lại là 20.041 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết, theo quy định, các tài sản giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng phải kiểm kê để kiểm đếm, so sánh với sổ sách kế toán. Tuy nhiên, hiện nay, việc hạch toán tài sản của cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, nhiều tài sản sau khi đầu tư xây dựng, được bàn giao nhưng không có hồ sơ tài liệu; có những loại tài sản phải đánh giá lại định kỳ nhưng nhiều đơn vị không thực hiện. Ngoài ra, một số tài sản được biếu, tặng sử dụng, phải xác lập quyền sở hữu nhưng việc hạch toán cũng chưa đầy đủ, chính xác. Quá trình tổng hợp tài sản do các Bộ, ngành, địa phương tự thực hiện cho thấy, giá trị tài sản thu thập được chưa phản ánh chính xác, chưa tương xứng với nguồn lực đã được tích luỹ... do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Đề án 213).
Theo Đề án 213, đến ngày 31/12/2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê. Đến ngày 15/6/2025, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính. Đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Thịnh, đợt tổng kiểm kê lần này diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, đó là, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC. Tiếp đến, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về chống lãng phí, trong đó có nhiều chỉ đạo liên quan tới việc chống lãng phí TSC. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo liên quan tới việc phòng, chống lãng phí đối với các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC.
Gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 01/12/2024 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 125/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó giao 3 nhóm nhiệm vụ lớn liên quan tới lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC và công tác tổng kiểm kê TSC theo Đề án 213.
Tiếp đó, ngày 20/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 138/CĐ-TTg về việc thực hiện tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Công điện 138).
Công điện 138 nêu rõ: Công tác tổng kiểm kê TSC là nhiệm vụ chính trị lớn của cả nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Thông qua tổng kiểm kê và tổng hợp số liệu cho phép tổng hợp, đánh giá thực trạng tài sản và công tác quản lý, sử dụng TSC; từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức quản lý TSC, phục vụ việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và báo cáo về tài sản, báo cáo tài chính nhà nước của quốc gia cũng như của từng Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Việc tổng kiểm kê TSC theo Đề án 213 là nhiệm vụ lớn, lần đầu thực hiện với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc với nhiều loại tài sản khác nhau, được hình thành qua nhiều thời kỳ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trưởng ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng TSC, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác. Gắn công tác kiểm kê TSC với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ngay trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc tổng kiểm kê, bảo đảm TSC được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với các Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động... vẫn phải thực hiện tổng kiểm kê; bàn giao các công việc đã và đang triển khai cho đơn vị mới; đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án 213, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức quản lý nhằm phát huy kết quả tổng kiểm kê, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác TSC, báo cáo cấp có thẩm quyền./.