Làm rõ mô hình, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 21:03, 26/12/2024
Xác định rõ mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu
Liên quan đến quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, Điều 40 Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định có 5 dạng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể được giao là chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số các tổ chức, cá nhân khác.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, về hình thức, đây là các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị. Do vậy, dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ năm 2018 nhằm tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, song trên thực tế hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn điều hành doanh nghiệp về tài chính, đầu tư, kế hoạch, kế toán, kiểm toán, mô hình quản trị, kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro hay quan hệ với công chúng.
Việc lựa chọn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là căn cứ quan trọng để quyết định xây dựng cơ chế về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan này với việc quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và những yếu tố riêng của Việt Nam, cần xác định rõ mô hình của cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước hay là một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp, hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét hợp nhất các cơ quan chủ sở hữu thành một đầu mối thống nhất, trừ trường hợp các doanh nghiệp công ích và các doanh nghiệp có tính chất đặc thù về quốc phòng, an ninh để tránh sự phân tán và thiếu đồng nhất trong quản lý, điều hành, gia tăng tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chủ sở hữu.
Phải đảm bảo sự phân công trách nhiệm giữa Bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp một cách rõ ràng, đặc biệt là phải rà soát với quy trình, thủ tục đầu tư đã được quy định ở các luật hiện hành để tránh trường hợp phát sinh thêm thủ tục đầu tư.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn DDBQH tỉnh Thái Bình)
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cũng đề nghị bổ sung, làm rõ các quy định về “Chủ sở hữu vốn”, “đại diện chủ sở hữu vốn”, “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư”.
Theo đại biểu, trong thực hiện cải cách hành chính năm 2018 đã xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương để thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tạo ra "một cửa" trong quản lý vốn nhà nước. Đại biểu đề nghị đánh giá tổng kết hiệu quả hoạt động của cơ quan này khi đã thu gọn một đầu mối đại diện chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Cụ thể, đại diện chủ sở hữu vốn là cơ quan quản lý hành chính, thuộc loại pháp nhân phi thương mại, doanh nghiệp là pháp nhân thương mại, khi tham gia giao dịch và hậu quả pháp lý khác nhau về tư cách chủ thể theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015. “Việc xác định rõ để quy trách nhiệm pháp lý, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh” - đại biểu nhấn mạnh.
Người đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp cần có đầy đủ thẩm quyền
Với quan điểm tạo cơ chế tự chủ, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường (ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua các chỉ tiêu kế hoạch mà doanh nghiệp phải thực hiện, chứ không xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp.
“Mức độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cũng chính là các chỉ tiêu để đánh giá, phân loại doanh nghiệp và đánh giá người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp” - đại biểu Cường nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, để thực hiện các nhiệm vụ được giao, người đại diện chủ sở hữu phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp nhất với các vị trí quản trị của doanh nghiệp. Để bảo đảm tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát, độc lập để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, quy định về công tác nhân sự ở Điều 13 của Dự thảo Luật chỉ quy định các yêu cầu, nguyên tắc cử người đại diện và bộ phận giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Việc bổ nhiệm các vị trí quản lý khác trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp phải do người được cử đại diện chủ sở hữu toàn quyền lựa chọn và quyết định theo các tiêu chuẩn cán bộ quản lý doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Làm rõ ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tán thành việc cắt giảm quy định mang tính hành chính, về trình tự, thủ tục với doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, đối với việc xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể các nội dung trong chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp cần báo cáo với cơ quan đại diện quyền sở hữu. “Quy định báo cáo chiến lược, kế hoạch thì phải rất gọn, rất cụ thể để tránh lại tạo ra những rào cản khác” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về người đại diện vốn tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tán thành với các ý kiến của ĐBQH và cam kết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định liên quan tại Dự thảo Luật để có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ với những cá nhân này.
“Quản lý đánh giá phải rất khách quan, minh bạch. Nếu làm tốt thì lương thế nào, thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương, thưởng có được tăng lên hay không? Nếu không làm tốt thì mức độ nào là cảnh báo và mức độ nào là sa thải” - Bộ trưởng nói đồng thời cũng nhấn mạnh quan điểm người đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp cần có đầy đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo.