Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều đóng góp lớn, quan trọng trong năm 2024 và gần 80 năm qua

Kinh tế - Ngày đăng : 12:11, 28/12/2024

(BKTO) - Năm 2024, mặc dù bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, sáng 28/12, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

a3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị. Ảnh: A.TUẤN

Kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, có đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm qua, kinh tế vĩ mô của đất nước duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.

Đóng góp vào thành tích chung của cả nước, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước; không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng có tác động đến sự phát triển KTXH của đất nước.

Trong năm, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KTXH, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.

qc.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: A.TUẤN

Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024, Bộ KH&ĐT được giao thực hiện 61 đề án trên tổng số 345 đề án giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ - là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm gần 18%). Đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được giao.

Nhiều mặt công tác đạt kết quả xuất sắc

Năm 2024 đã đánh dấu sự kiện lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thay mặt Chính phủ có chuyến công tác và làm việc với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu tại Hoa Kỳ. Qua chuyến làm việc, Hoa Kỳ thống nhất hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là hai lĩnh vực Việt Nam chủ trương tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển trong dài hạn.

Bộ KH&ĐT còn tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 02 Luật, 05 Nghị quyết của Quốc hội, 09 Nghị định của Chính phủ (và 08 Nghị định đã trình Chính phủ), 14 Thông tư, 08 Nghị quyết của Chính phủ, 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 07 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, 06 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban Chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 04 quy hoạch tỉnh, 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, 03 dự án quan trọng quốc gia, 39 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 14.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực của Bộ…

Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 05 năm, năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và phải củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KTXH giai đoạn 2026 - 2030, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN nước năm 2025 với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong năm qua, công tác triển khai, điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; chỉ đạo, đôn đốc thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thông báo mức vốn đầu tư công dự kiến NSNN giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

a2.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: A.TUẤN

Công tác đầu tư trực tiếp nước ngoài và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể. Liên quan đến quy hoạch, công tác lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được thực hiện theo cách tiếp cận và phương pháp mới; đến nay đã cơ bản được hoàn thành, từng bước phát huy kết quả tích cực vào thực tiễn và tạo ra các cơ hội mới, không gian mới với giá trị mới cho quốc gia, vùng, địa phương.

Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã thực hiện đánh giá tác động đối với 144 thủ tục hành chính trong 11 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa 20 thủ tục hành chính, trong đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 19 thủ tục hành chính, bãi bỏ 01 thủ tục hành chính với tổng chi phí cắt giảm, đơn giản hóa là trên 3,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ cắt giảm bình quân 29,07%; xây dựng và ban hành 08 Quyết định công bố thủ tục hành chính với tổng số 112 thủ tục hành chính...

Thủ tướng chỉ đạo: 5 tiên phong của ngành Kế hoạch và Đầu tư

Chia sẻ những kết quả đạt được của Bộ KH&ĐT trong năm qua rất nổi bật, đáng khích lệ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội; sự quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, cơ quan, địa phương và cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ KH&ĐT.

Nhằm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua; khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, ngành KH&ĐT sẽ tiếp tục phát huy vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp, tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, triển khai nhiều cải cách, đột phá phát triển kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KTXH đã đề ra; tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá Bộ KH&ĐT đã thể hiện quyết tâm rất cao trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng nêu rõ những điểm lớn thể hiện những thành tựu của ngành KH&ĐT, đó là luôn được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao chủ trì xây dựng các chiến lược phát triển của đất nước, là cơ quan tham mưu quan trọng triển khai các chiến lược, các kế hoạch phát triển; đóng góp quan trọng vào điều phối nguồn lực quốc gia; có tư duy đột phá, tiên phong đi đầu trong đổi mới sáng tạo; thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo thông tin thống kê, tạo cơ sở dữ liệu cho Đảng, Nhà nước…

Tuy nhiên, ngành còn một số hạn chế như: công tác tham mưu chiến lược trong bối cảnh thế giới đầy biến động; huy động toàn bộ nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển đất nước; khai thác hiệu quả nguồn lực của dân tộc - phải xác định tiềm năng, cơ hội để phát triển theo xu hướng của thế giới; phối hợp chặt chẽ hơn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, cắt giảm thủ tục hành chính; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; đầu tư công vẫn còn dàn trải… Do đó, trong năm tới, ngành KH&ĐT cần khắc phục những hạn chế này.

Trong thời gian tới, ngành KH&ĐT phải tập trung thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở nhận thức rõ ý nghĩa của các bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; biến cái không quan trọng thành cái quan trọng mới là quan trọng. Thứ hai là phải vượt qua chính mình, bằng ý chí tự lực, tự cường, vươn lên, hướng tới những gì mới, chinh phục những đỉnh cao mới. Thứ ba là không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải điều hành linh hoạt, thích ứng hơn để hiệu quả toàn diện hơn…

5 tiên phong của ngành KH&ĐT trong thời gian tới: Tiên phong trong đổi mới tư duy; Tiên phong trong xây dựng thể chế; Tiên phong trong dẫn dắt, huy động nguồn lực xã hội; Tiên phong trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…; Tiên phong trong xây dựng dữ liệu quốc gia và hoạch định chính sách trên cơ sở xây dựng dữ liệu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

H.THOAN