Kiểm toán nhà nước góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và hỗ trợ tăng trưởng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:26, 30/12/2024
Ngành ngân hàng được thụ hưởng rất nhiều từ kết quả kiểm toán
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của KTNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao những kết quả KTNN đạt được trong năm 2024.
“161 đơn vị được kiểm toán trong năm 2024 cho thấy được khối lượng công việc "khổng lồ" KTNN đã làm; chưa kể hằng năm, nhất là giai đoạn hiện nay, cả nước đang chấn chỉnh, hoàn thiện thể chế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực, tham nhũng… khiến cho khối lượng công việc của KTNN tăng lên rất nhiều so với trước đây và các đồng chí vẫn hoàn thành” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc NHNN, kết quả kiểm toán với những con số kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách trong năm 2024 và những kiến nghị xử lý tài chính của những năm trước đã được thực hiện, cho thấy đây là kết quả rất lớn, hiệu quả rất cao, thể hiện rõ vai trò của KTNN. KTNN không chỉ đóng góp chung trong kiểm toán tài chính, tài sản nhà nước mà còn có vai trò rất quan trọng trong vấn đề hoàn thiện thể chế, giúp các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương hoàn thiện thêm hệ thống văn bản hành lang pháp lý của mình.
“Dưới góc độ ngành ngân hàng, chúng tôi xin được bày tỏ sự đánh giá rất cao và trân trọng những kết quả của KTNN trong năm 2024 cũng như nhiều năm trước đây” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.
Ở góc độ phối hợp giữa NHNN với KTNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhiều năm qua, theo quy định của Luật NHNN, hằng năm, NHNN được KTNN kiểm toán định kỳ, thường xuyên. Hai cơ quan cũng đã có quy chế phối hợp cách đây 10 năm và năm 2021, quy chế này đã được hoàn thiện thêm một bước. Điều đó khẳng định mối quan hệ và trách nhiệm của hai cơ quan trong công tác phối hợp là rất tốt. Các đơn vị chức năng cơ quan của hai cơ quan đều thực hiện rất tốt quy chế này.
Chính vì vậy, NHNN là đơn vị được thụ hưởng rất nhiều từ những kết quả kiểm toán của các đoàn kiểm toán cũng như sự phối hợp chỉ đạo của lãnh đạo KTNN.
Qua kiểm toán thường kỳ hằng năm, các báo cáo kiểm toán của KTNN giúp cho NHNN làm tốt hơn chức năng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, làm tốt hơn hơn công tác quản lý tài sản, tài chính nhà nước cũng như làm tốt hơn công tác hoàn thiện thể chế.
Chúng tôi khẳng định rằng, những kết quả đạt được của ngành ngân hàng hằng năm có một phần đóng góp rất lớn từ báo cáo kiểm toán của các đoàn kiểm toán thường xuyên cũng như kiểm toán chuyên đề.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao năm 2024 cũng như năm 2023, KTNN đã có một số cuộc kiểm toán chuyên đề đi rất sâu, làm rất rõ; giúp cho việc hoàn thiện các đề án theo chương trình của Quốc hội, của Chính phủ cũng như những đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Đặc biệt, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, lần đầu tiên KTNN đã phối hợp với NHNN và các cơ quan đơn vị chức năng thực hiện định giá các ngân hàng mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng).
“Dù là lần đầu tiên thực hiện và không có kinh nghiệm, song với trách nhiệm và tinh thần phối hợp của hai cơ quan, KTNN và NHNN đã có một báo cáo về định giá các ngân hàng mua bắt buộc này. Đây là căn cứ để đến nay, ngành ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi bắt buộc được 2 ngân hàng cho 2 ngân hàng thương mại lớn khác; còn 2 ngân hàng nữa có thể trước Tết Âm lịch cũng sẽ hoàn thành việc chuyển đổi” - Phó Thống đốc NHNN thông tin và bày tỏ cảm ơn KTNN trong việc phối hợp, xử lý một việc rất khó khăn, phức tạp và đã đạt được kết quả rất tích cực.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, tất cả sự phối hợp của KTNN trong thời gian vừa qua và những kết quả từ các báo cáo kiểm toán đã giúp cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm và đạt được mục tiêu đó là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và hỗ trợ cho tăng trưởng.
“Tất cả những chỉ tiêu vĩ mô này, đến giờ phút này, có thể thấy chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những kết quả rất tích cực, vượt cả mong đợi, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ. Kết quả này có sự hỗ trợ của KTNN” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán
Trong công tác phòng, chống lãng phí, quản lý tài chính, tài sản và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ, KTNN không chỉ kiểm toán NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước mà còn kiểm toán các đơn vị, các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính. Đây là một lĩnh vực rất cần sự quan tâm quản lý chặt chẽ, kiểm toán thường xuyên, để ngăn chặn kịp thời những tiêu cực. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, rất nhiều sai sót, vi phạm từ các tổ chức tín dụng đã được giảm bớt. Kết quả kiểm toán cũng giúp NHNN hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng như hàng loạt văn bản khác.
Thông qua các đợt kiểm toán tại NHNN và các đơn vị của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đánh giá cao trình độ năng lực, sự nghiêm túc của các đoàn kiểm toán của KTNN; giúp cho NHNN cũng như các tổ chức tín dụng đạt được những kết quả rất tích cực trong thời gian vừa qua.
Với những kết quả tích cực đã đạt được, để tăng cường sự phối hợp giữa KTNN và NHNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú mong muốn hai cơ quan tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nội dung quy chế đã ký kết, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như tránh sự trùng lặp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán.
Phó Thống đốc cũng đề nghị KTNN phối hợp với NHNN trong việc kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền, để xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm về trước.
Đồng thời, trong hoạt động kiểm toán, KTNN cần cân nhắc, xem xét đến tính đặc thù của hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để có những đánh giá sát tình hình, giúp cho NHNN làm tốt hơn nhiệm vụ này.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề xuất KTNN mời đại diện NHNN tham dự khi thông qua báo cáo kiểm toán các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và các định chế tài chính của Nhà nước; qua đó giúp cho ngành ngân hàng có thêm thông tin trong quá trình chỉ đạo, quản lý và điều hành hoạt động đối với các tổ chức tín dụng./.