Thị trường Halal: “Mảnh đất” tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 16:04, 31/12/2024
Thị trường nhiều tiềm năng
Thông tin về thị trường Halal, ông Nguyễn Thành Duy - Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, thị trường Halal toàn cầu có quy mô lớn với hơn 2 tỷ người Hồi giáo vào năm 2024, chiếm 20% dân số thế giới và dự kiến đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030, chiếm 1/3 dân số thế giới. Về quy mô kinh tế, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường Halal hiện có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%.
Hiện nay, các sản phẩm Halal bao phủ rộng khắp trong nhiều ngành, lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch, tài chính, thời trang… Trong đó, quy mô ngành thực phẩm Halal năm 2022 là 2.354,5 tỷ USD và dự báo đến năm 2029 đạt 4.987,83 tỷ USD. Đối với ngành du lịch, năm 2022, số lượng người Hồi giáo đi du lịch quốc tế đạt 110 triệu người và có thể đạt 230 triệu người vào năm 2028. Chi tiêu cho du lịch của người Hồi giáo dự kiến đạt 325 tỷ USD vào năm 2030. Ngành dược phẩm và mỹ phẩm Halal được dự báo có quy mô tăng trưởng đến năm 2029 lần lượt là 103,1 tỷ USD và 78,6 tỷ USD…
“Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ Halal phân bổ rộng khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Halal có xu hướng ngày càng tăng, không chỉ ở những người theo đạo Hồi mà cả những người không theo đạo Hồi. Đây là thị trường lớn và tiềm năng đối với bất kỳ một quốc gia nào, bao gồm cả Việt Nam” - ông Duy nhấn mạnh.
Chỉ rõ những lợi ích khi chinh phục được thị trường Halal, ông Duy cho rằng, việc tham gia vào thị trường này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và mở rộng các hoạt động xuất khẩu, mở rộng danh mục hàng hóa, dịch vụ mà chúng ta có thế mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch.
Không chỉ mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu, thị trường Halal còn là động lực để Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Đặc biệt, thị trường Halal còn mở ra “cánh cửa” cho các doanh nghiệp và địa phương cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến; cũng như tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên thế giới…
Đồng quan điểm trên, chia sẻ về lợi thế của Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu, PGS,TS. Đinh Công Hoàng - Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành Halal.
Cụ thể, về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí gần những thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn. Tại châu Á có khoảng 62% dân số là người Hồi giáo; ngay tại Đông Nam Á, tín đồ Hồi giáo cũng chiếm khoảng 42% dân số. Mặt khác, các thị trường Hồi giáo lớn trên thế giới cũng có quan hệ rất tốt với Việt Nam.
Về năng lực sản xuất, Việt Nam hiện nằm trong top 20 nền ngoại thương lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc top đầu thế giới như cà phê, chè, gạo, hồ tiêu, điều, thuỷ sản, rau quả và trái cây... cũng là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo; nhiều sản phẩm trong số đó đã được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng.
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường có tiêu chuẩn rất khắt khe như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp cận thị trường Halal thế giới.
Ngoài ra, theo ông Duy, thời gian gần đây, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đẩy mạnh quan tâm hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong việc khai mở thị trường Halal toàn cầu. Cùng với đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý tới thị trường tiềm năng này và đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu.
Tháng 4/2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được thành lập, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chứng nhận Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng bộ giải pháp để tham gia sâu vào thị trường Halal toàn cầu
Bên cạnh những lợi thế, thuận lợi nhất định, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.
Trước hết, Halal và các vấn đề liên quan đến Halal là khái niệm tương đối mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Các thông tin về thị trường Halal toàn cầu, cũng như thông tin về các quy định thương mại, tập quán kinh doanh, tiêu dùng, văn hóa Hồi giáo, đặc biệt là các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn Halal và chứng nhận Halal còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để quản lý nhà nước về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động chứng nhận Halal. Mặt khác, Việt Nam chưa có hệ sinh thái Halal đồng bộ, liên kết giữa các ngành. Hợp tác quốc tế về Halal, tuy đã được thúc đẩy nhưng chưa đồng bộ, toàn diện. Việt Nam cũng chưa có đủ nguồn nhân lực Hồi giáo theo đúng quy chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hoà hoá với quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, địa phương còn gặp khó khăn trong việc xin cấp chứng nhận Halal; chi phí cấp chứng nhận Halal cao. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với bài toán chi phí cao khi đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal (chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản…) tuân theo các tiêu chuẩn Halal…
Trước những thách thức trên, đưa khuyến nghị để Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy triển khai các cam kết song phương về Halal đã đạt được với các nước; cũng như thúc đẩy ký kết các thoả thuận, hiệp định, bản ghi nhớ, nghị định thư, ý định thư hợp tác trong lĩnh vực Halal với các đối tác tiềm năng.
Song song với đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về Halal; tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác, nhất là các trung tâm Halal lớn, các thị trường Hồi giáo lớn trên thế giới, để giúp các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Phạm Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ đẩy mạnh lồng ghép các nội dung hợp tác Halal vào các hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.
Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thông tin tuyên truyền hai chiều về Halal. Theo đó, một mặt sẽ tăng cường thông tin về tiềm năng, cơ hội, thế mạnh phát triển ngành Halal của Việt Nam (bao gồm cả địa phương và doanh nghiệp) ra nước ngoài. Mặt khác, đẩy mạnh thông tin tới các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam về các thị trường Halal trọng điểm, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư./.