Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V đào tạo về kiểm toán công trình thủy điện và đường dây
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:54, 02/01/2025
Dự Lớp đào tạo có ông: Nguyễn Văn Giáp - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, các đồng chí Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V và toàn thể công chức, người lao động của đơn vị.
Giảng viên khách mời là TS. Nguyễn Bá Tân - nguyên Trưởng phòng Thiết bị công nghệ, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1), thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu khai mạc, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Nguyễn Văn Giáp cho biết, lớp đào tạo được tổ chức nhằm giúp kiểm toán viên hiểu rõ hơn, sâu hơn về bản chất, nguyên lý, kinh nghiệm thực tiễn về công trình thủy điện và đường dây, từ đó áp dụng tốt nhất vào kiểm toán công trình về thủy điện, nhiệt điện, đường dây - các lĩnh vực kiểm toán chủ yếu của đơn vị trong năm 2025.
“Tôi mong muốn các đồng chí sẽ tiếp cận sâu rộng, có vướng mắc gì sẽ trao đổi trực tiếp với giảng viên để có cách tiếp cận mới, chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo kết quả kiểm toán an toàn, chất lượng, hiệu quả” - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Nguyễn Văn Giáp nhấn mạnh.
Cũng theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, đơn vị thường xuyên kiểm toán các công trình, dự án lớn về thuỷ điện và đường dây lớn với rất nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro. Điều này đòi hỏi kiểm toán viên phải trang bị kiến thức ngày càng chuyên sâu về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các nội dung đào tạo cũng sẽ rất hữu ích đối với kiểm toán viên trong các đợt thi nâng cao nghiệp vụ của Ngành thời gian tới.
Thông tin tại lớp đào tạo, TS. Nguyễn Bá Tân đã chia sẻ các vấn đề cụ thể về các nội dung liên quan đến các dự án thủy điện như: Quy hoạch khai thác tiềm năng năng lượng của dòng sông; cấu trúc của dự án thủy điện và phân loại các nhà máy thủy điện (quy mô công suất, cấu trúc, công nghệ đập, giới thiệu Nhà máy Thủy điện Sơn La…); hệ thống công nghệ của dự án thủy điện (bao gồm: Thiết bị thủy công như các loại cửa van, thiết bị tại các hạng mục; thiết bị cơ điện như tổ máy với tuốc bin và máy phát, các hệ thống thiết bị phụ trợ, các hệ thống điện trong nhà máy, hệ thống rơ le bảo vệ, hệ thống scada).
Bên cạnh đó, giảng viên cũng đã thông tin chi tiết về hệ thống truyền dẫn công suất như: Đường dây và trạm, thiết bị phân phối, bảo vệ, rơ le, hệ thống scada (điều khiển, giám sát, thu thập dữ liệu và liên kết điều hành lưới điện khu vực và quốc gia).
Đặc biệt, TS. Nguyễn Bá Tân đã trao đổi chuyên sâu về 3 giai đoạn của dự án thuỷ điện, bao gồm:
Giai đoạn chuẩn bị dự án: Khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư (FS), đưa ra tổng mức đầu tư, khảo sát, thiết kế kỹ thuật, đưa ra tổng dự toán, kế hoạch đấu thầu với giá gói thầu được phê duyệt, đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho từng gói thầu.
Giai đoạn thực hiện dự án: Triển khai bản vẽ thi công các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị công nghệ, dự toán chi tiết; ký hợp đồng, triển khai các gói thầu theo kế hoạch đấu thầu và chỉ định thầu; thực hiện công tác giám sát thi công để đảm bảo thực hiện các gói thầu đúng theo thiết kế, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và tăng giảm tổng mức đầu tư hợp lý; đào tạo nhân lực quản lý vận hành dự án.
Giai đoạn hoàn thành dự án: Nghiệm thu đưa dự án vào khai thác; ban hành và thực hiện đúng quy trình vận hành, bảo dưỡng sửa chữa công trình và thiết bị; hoàn thành quyết toán dự án.
Tại lớp đào tạo, giảng viên đã trao đổi và trả lời cụ thể các câu hỏi về nhiều nội dung thực tiễn liên quan đến các dự án thuỷ điện mà kiểm toán viên gặp phải trong quá trình kiểm toán.
Theo kế hoạch, buổi chiều, giảng viên sẽ chia sẻ, trao đổi về các nội dung liên quan đến đường dây./.