Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 273 tỷ đồng
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 05:00, 03/01/2025
Thu, chi ngân sách năm 2023 còn nhiều hạn chế
Theo KTNN, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ổn định và phát triển. Các cấp, các ngành và các địa phương đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023.
Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đã bám sát các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tập trung xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, phương án điều hành cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đề ra.
Năm 2023, về cơ bản, địa phương đã chấp hành theo quy định của pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý điều hành thu, chi NSNN; tuân thủ theo quy định của Luật NSNN 2015, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Tuy nhiên qua kiểm toán, KTNN thấy rằng, quá trình điều hành ngân sách của tỉnh còn một số tồn tại cần khắc phục, chủ yếu như sau:
Về thu ngân sách, KTNN cho biết, dự toán khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế chưa thể hiện sự phấn đấu tăng thu từ khâu lập dự toán theo quy định tại tiết d khoản 1 Điều 13 Thông tư số 47/2022/TT-BTC. Tổng số thuế nợ đọng tại ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ có khả năng thu và tỷ lệ thu nợ có khả năng thu năm 2022 chuyển qua chưa đạt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao; chỉ tiêu thu nợ về thuế, phí tại các Chi cục thuế trực thuộc không đạt; việc xử lý tiền thuế đang chờ điều chỉnh còn chậm; chưa hạch toán thu NSNN đối với khoản tạm thu 2 tỷ đồng đã đủ điều kiện nộp vào NSNN.
Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, kết quả kiểm toán cho thấy: Chậm xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; còn trường hợp chưa lựa chọn danh mục và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án từ đầu năm; chưa ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; chưa ưu tiên bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.
Bố trí vốn cho dự án khởi công mới chưa bảo đảm đủ vốn để hoàn thành theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt; bố trí vốn 31,2 tỷ đồng cho dự án chưa sát thực tế dẫn đến không thực hiện được hoặc có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dự án ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ phải xin điều chỉnh giảm vốn, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đạt tỷ lệ giải ngân thấp; tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với mức Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, bố trí nguồn xổ số kiến thiết 23,808 tỷ đồng để hoàn trả ứng trước tiền thuê đất đã nộp cho các nhà đầu tư tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là chưa phù hợp. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn nhiều lần; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn cho dự án không sát thực tế dẫn đến phải xin kéo dài thời gian thực hiện giải ngân; còn điều chỉnh kế hoạch vốn sau ngày 15/11 năm kế hoạch. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp (chỉ đạt tỷ lệ 69% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm phấn đấu trên 95%).
Đối với chi thường xuyên, KTNN chỉ rõ: Còn giao dự toán từ nguồn thu sử dụng đất 30 tỷ đồng để bố trí trong lĩnh vực chi thường xuyên không đúng theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 78/2022/TT-BTC; UBND tỉnh ban hành Công văn số 785/STC-HCSN ngày 18/02/2013 không đúng thẩm quyền.
Cùng với đó, giao dự toán hỗ trợ kinh phí nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu, cán bộ quản lý phục vụ công tác bán trú cho học sinh tiểu học là con em đồng bào dân tộc thiểu số 6,482 tỷ đồng cho các huyện không có trong định mức chi do HĐND tỉnh ban hành; giao dự toán ngoài định mức kinh phí hoạt động Đảng 3,55 tỷ đồng theo Quyết định 99/QĐ-TW cho cấp huyện không đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND; giao thừa dự toán tiền lương và định mức hoạt động đơn vị sự nghiệp phân bổ theo biên chế cho thành phố Nha Trang 2,839 tỷ đồng.
Chưa nộp trả ngân sách Trung ương nguồn kinh phí hết nhiệm vụ chi 265,832 tỷ đồng nguồn chính sách an sinh xã hội theo điểm c khoản 1 Điều 3 Quyết định số 127/QĐ-TTg; trích lập thiếu nguồn cải cách tiền lương 135,911 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2023 theo điểm a khoản 4 Điều 4 Thông tư số 76/2023/TT-BTC; còn số dư tạm ứng, ứng trước ngân sách quá hạn chưa thu hồi.
Trong công tác kế toán, quyết toán ngân sách, kết quả kiểm toán cho thấy: Trong kết dư ngân sách tỉnh còn hạch toán khoản kinh phí hết nhiệm vụ chi 59,716 tỷ đồng hoàn trả ngân sách Trung ương đã hoàn trả trong năm 2024; một số đơn vị chưa thực hiện hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách đối với các khoản viện trợ không hoàn lại theo quy định.
Kiến nghị xử lý tài chính, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính 273,117 tỷ đồng (tăng thu NSNN 2,182 tỷ đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau 3,06 tỷ đồng; thu hồi kinh phí thừa 267,875 tỷ đồng); kiến nghị khác 189,719 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Cụ thể, xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt tỷ lệ thấp và xếp loại yếu (Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông) theo tiêu chí đánh giá đã ban hành.
Đặc biệt, KTNN đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị trực thuộc được kiểm toán chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với hạn chế, tồn tại đã được nêu trong Báo cáo kiểm toán, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Theo đó, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh quyết định đối với nội dung chi cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu, cán bộ quản lý phục vụ bán trú cho học sinh tiểu học là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo các chế độ, chính sách đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN.
UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét quyết định đối với việc chi kinh phí hoạt động Đảng theo Quyết định 99/QĐ-TW cho cấp huyện (chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng) số tiền 3,55 tỷ đồng không đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Khánh Hòa.
UBND tỉnh chỉ đạo các chủ khoản viện trợ trực thuộc tỉnh rà soát và thực hiện ghi thu, ghi chi các khoản viện trợ không hoàn lại đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP.
Sở Tài chính đôn đốc, thu hồi số tạm ứng, ứng trước ngân sách; Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa đôn đốc, thu hồi tạm ứng theo chế độ quá hạn chưa thu hồi đảm bảo theo quy định pháp luật.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn (phần vốn tỉnh còn thiếu) và chỉ đạo các huyện, xã bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công./.