Giám sát, xử lý dứt điểm những hiện tượng "nóng” về môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 12:14, 07/01/2025
Sáng 07/01, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề cương giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Đánh giá công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, đối tượng giám sát gồm Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về BVMT; đánh giá kết quả xây dựng, ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020; việc lập và thẩm định Chiến lược BVMT quốc gia.
Nội dung giám sát còn là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT: đánh giá việc tổ chức thi hành, thực hiện chính sách pháp luật và nội dung quản lý nhà nước về BVMT, trong đó tập trung đánh giá một số nội dung trọng tâm về việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho BVMT; việc lồng ghép nội dung BVMT trong quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); việc thực hiện các nội dung BVMT trong các quy hoạch, công tác đánh giá ĐMC, ĐTM; hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị; việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng).
Đoàn Giám sát cũng tập trung đánh giá về công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; vấn đề tổ chức phát triển thị trường các-bon, trong đó có nội dung trao đổi tín chỉ các-bon rừng.
Theo kế hoạch, Đoàn Giám sát sẽ tổ chức 04 Phiên họp toàn thể và tổ chức 04 Đoàn công tác (do 04 lãnh đạo Đoàn giám sát là Trưởng Đoàn công tác) giám sát trực tiếp tại 15 địa phương gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng; TP. Cần Thơ, các tỉnh Bình Dương, Long An, Trà Vinh; TP. Hải Phòng, các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh; các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng). Thời gian giám sát dự kiến từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7/2025.
Đồng thời, Đoàn Giám sát tổ chức làm việc với các bộ thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế; tổ chức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Thời gian làm việc dự kiến tháng từ 6-7/2025.
Phải có chuyển biến tích cực sau giám sát
Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn Giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, bên cạnh việc giám sát tại một số địa phương thì cần xác định nội dung trọng tâm trên phạm vi cả nước để tránh dàn trải; qua giám sát phải có chuyển biến tích cực trên thực tế
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề rác thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm tại khu đô thị, sông, ven biển sau giám sát phải có chuyển biến cụ thể. Đồng thời cần đưa ra dự báo về rác thải điện tử như pin, xe điện, pin mặt trời. Đây là vấn đề có nguy cơ trong tương lai, do đó cần có dự báo và đánh giá.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đề nghị, trong giám sát cần lựa chọn các địa phương, đưa ra các tiêu chí lựa chọn địa phương để giám sát kỹ hơn. Ví như Hà Nội cần quan tâm giám sát về chất lượng không khí, còn tỉnh Thái Nguyên là nơi có nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải thì quan tâm giám sát về vấn đề xử lý nước thải tại các làng nghề.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, mỗi địa phương có một dạng ô nhiễm khác nhau, do đó đề cương giám sát cần hướng đến đặc thù của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, bà Hải đề nghị cần quan tâm đánh giá về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát công tác BVMT.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, khi thực hiện công tác giám sát, Đoàn Giám sát phải bám vào các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra cho giai đoạn 2021-2025.
“Đoàn Giám sát lần này phải chỉ ra được những mặt mạnh, mặt hạn chế, xử lý dứt điểm những hiện tượng "nóng” về môi trường tại các địa phương, với nhiều những biểu hiện khác nhau” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Đồng thời, qua giám sát tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của từng đơn vị, địa phương trong công tác BVMT; chỉ ra những địa chỉ cụ thể, không nói chung chung; trách nhiệm của từng cơ quan tại Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn Giám sát rà soát thêm kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo để bảo đảm phạm vi, mục tiêu của cuộc giám sát phải đánh giá khái quát được tổng thể việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm để tập trung vào những vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế nổi lên trong thực tiễn và những vấn nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm như vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải tại các khu đô thị lớn, rác thải điện tử, phế thải công nghiệp…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nội dung và phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, do đó cần tiếp tục rà soát bảo đảm tiếp cận theo nhóm vấn đề lớn, nổi bật về BVMT. Đồng thời, Đoàn Giám sát cần nghiên cứu kỹ để sử dụng các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian vừa qua về các nội dung có liên quan.