Ngân hàng Nhà nước nói gì về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%?

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:08, 08/01/2025

(BKTO) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định mục tiêu quan trọng trong điều hành tín dụng là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đồng thời làm rõ thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025.
pho-thong-doc-dao-minh-tu.jpg
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú làm rõ thêm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025. Ảnh: NHNN

Tổng dư nợ tăng thêm 2 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của NHNN, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu và để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về nghiên cứu dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD: thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

“Với các giải pháp đồng bộ của NHNN, tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023; tổng doanh số cho vay đạt 23 triệu tỷ đồng và doanh số thu nợ 21 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cuối năm 2024 là 15,6 triệu tỷ đồng, tăng thêm 2 triệu tỷ đồng so với năm 2023 là 13,6 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đưa vào nền kinh tế rất cao.” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Muốn có GDP 8% thì tín dụng tăng bao nhiêu?

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mục tiêu quan trọng trong điều hành tín dụng là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Về tăng trưởng GDP, Quốc hội đặt mục tiêu là 6,5-7% nhưng Chính phủ đặt mục tiêu tối thiểu 8%. Muốn có GDP 8% thì đầu tư tín dụng bao nhiêu? Tín dụng tập trung vào những lĩnh vực nào là động lực cho tăng trưởng, tín dụng cho tăng trưởng xanh ra sao? Đây là những vấn đề cần được tính toán, cân nhắc để đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế.” - Phó Thống đốc nói.

Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, Phó Thống đốc khẳng định: Đây là chỉ tiêu mang tính định hướng, không phải là con số pháp lệnh. Việc đặt ra mục tiêu là để điều hành cho phù hợp, đảm bảo kiểm soát lạm phát; kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, tránh tình trạng tăng trưởng “nóng” dẫn đến mất an toàn hệ thống.

Tới dự, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của Kiểm toán nhà nước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ: Chính sách tiền tệ có những đặc thù, nhiều chỉ tiêu thuộc pháp lệnh nhưng có chỉ tiêu mang tính chất điều hành. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng là chỉ tiêu mang tính chất điều hành, mang tính chất nghiệp vụ, chuyên ngành sâu. Vì vậy, NHNN rất mong trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cân nhắc, xem xét, có sự đánh giá phù hợp, sát với tình hình, giúp cho NHNN làm tốt hơn nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ.

Phó Thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ điều hành tín dụng phù hợp với tình hình thực tế. Để tăng trưởng kinh tế có thể đạt 8% và dựa trên nhu cầu của các TCTD, trong quá trình điều hành, NHNN sẵn sàng nới room tín dụng.

Đồng thời, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, cho vay lâm, thủy sản, chương trình cho vay 1 triệu ha lúa đối với Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào lãi suất nên NHNN sẽ điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp./.

THÀNH ĐỨC