Điều hành tỷ giá năm 2025 - nhiệm vụ nhiều thách thức

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:09, 08/01/2025

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo năm nay, các chính sách kinh tế của Mỹ, đặc biệt là việc tăng thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên dòng vốn toàn cầu và tỷ giá tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
ong-pham-chi-quang-4294.jpg
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - ông Phạm Chí Quang: NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế toàn cầu và phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành để điều hành phù hợp, đảm bảo ổn định tỷ giá. Ảnh: ST

Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá

Nhìn lại năm 2024, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - nhận định: Thị trường ngoại hối toàn cầu đã có nhiều biến động mạnh mẽ, đặc biệt là trong quý IV, khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Các chính sách kinh tế “Trump 2.0” tiếp nối từ giai đoạn trước, đặc biệt là việc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia có xuất khẩu lớn sang Mỹ đã tác động sâu sắc đến thương mại và dòng vốn toàn cầu.

Chỉ số đồng đô la Mỹ (Chỉ số USD Index) đã liên tục tăng mạnh vào thời điểm cuối năm ngoái. Có thời điểm, chỉ số này vượt ngưỡng 108 điểm để đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Năm 2024, giá trị đồng USD đã tăng 7,6%, gây áp lực lớn lên các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi.

Tại Việt Nam, dòng ngoại hối cũng chịu ảnh hưởng lớn. Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2024.

Cùng với đó, nhu cầu ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính để trả nợ nước ngoài, thanh toán các khoản trái phiếu chính phủ đến hạn lên tới 5,1 tỷ USD. Đây là các yếu tố gây căng thẳng cho thị trường ngoại tệ trong nước dịp cuối năm.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, NHNN đã điều hành chặt chẽ, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, điều hòa lượng tiền dư thừa, giảm bớt chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Đồng thời, NHNN phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước để điều tiết lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và phát hành trái phiếu chính phủ, giúp giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Nhờ vậy, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam đồng (VND) và USD được thu hẹp, giảm động cơ đầu cơ ngoại tệ. Tỷ giá VND/USD tăng 5,03% vào cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Trong bối cảnh đó, việc duy trì mức mất giá tiền đồng hợp lý giúp kiểm soát lạm phát dưới 4% - đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Áp lực điều hành tỷ giá năm 2025

Theo ông Phạm Chí Quang, các chính sách kinh tế của Mỹ, đặc biệt là việc tăng thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên dòng vốn toàn cầu và tỷ giá tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Để ứng phó, NHNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ kép: Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và lãi suất, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng GDP con số như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế toàn cầu và phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành để điều hành phù hợp, đảm bảo ổn định tỷ giá.

“Đây là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, NHNN tin tưởng vào khả năng kiểm soát thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô trong thời gian tới”- ông Phạm Chí Quang khẳng định./.

THÀNH ĐỨC