Xuất khẩu phục hồi tích cực, trở thành điểm sáng của nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 09/01/2025

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế… nên hoạt động xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua tiếp tục phục hồi tích cực, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế.
12.jpg
Xuất khẩu của nhóm hàng thủy sản đạt 10,04 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh minh họa

Xuất khẩu tăng cao, ghi nhận chuyển biến từ khu vực trong nước

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước, nâng kim ngạch xuất khẩu của quý IV/2024 đạt 105,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%. Như vậy, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,3% so với 26,8%). Kết quả này tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong năm vừa qua, có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%). Xét về cơ cấu, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 34,51 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 10,04 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm này, do hưởng lợi bởi giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cao ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, gạo, chè các loại, rau quả đều tăng mạnh từ trên 20% đến gần 50%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng phục hồi mạnh mẽ, đạt 356,74 tỷ USD, chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng cao hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may, giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép...

Sự chuyển dịch cơ cấu theo chiều hướng tích cực còn được thể hiện rõ ở kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ đạt 4,24 tỷ USD, chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Nổi bật trong số đó là Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 104,6 tỷ USD tăng 25,6% so với năm trước. Các thị trường xuất siêu lớn tiếp theo là EU đạt 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%.

Năm 2024, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD. Tuy nhiên, theo dữ liệu phân tích của Bộ Công Thương, sơ bộ nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47,4%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,2%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chỉ khoảng 24,33 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Nhiều giải pháp đưa hàng hóa Việt tiến xa hơn

Có thể thấy, cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm hơn 90% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước).

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả xuất khẩu đạt kỳ vọng nhờ những hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.

Để đưa hàng hóa Việt tiến xa hơn, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam; tập trung nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Cùng với việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa thị trường, phát huy hiệu quả do các FTA mang lại, cần thực hiện thêm các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt chưa trực tiếp triển khai được; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội giao thương nhằm tăng thị phần tại thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa.

Đặc biệt, cần tăng cường hỗ trợ xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ các hoạt động xúc tiến và từ các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch…

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cần tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại để khơi thông “dòng chảy, luồng đi” cho hàng hóa Việt, đặc biệt là tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án lớn về phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng cần chú ý là phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường./.

QUỲNH ANH