Kiểm toán việc sử dụng đất ven biển: Đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường
Kiểm toán - Ngày đăng : 12:32, 09/01/2025
Theo Quyết định số 1539/QĐ-TTg ngày 10/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam phấn đấu, năm 2030, diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển...
Thiếu định hướng về quy hoạch và bảo vệ hệ sinh thái
Vùng ven biển có vị trí địa lý, kinh tế, quốc phòng an ninh quan trọng đối với cả nước, là vùng có các nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng; có hệ thống giao thông thuận tiện, tạo môi trường thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, việc khai thác sử dụng đất BBVB, đất có MNVB được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Các hình thức chủ yếu là khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp; trồng rừng ngập mặn để chắn sóng, chống bão; đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, làm đường, cảng hàng hải và phát triển du lịch, dịch vụ ven biển...
Tuy nhiên, vùng ven biển cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng và quá trình xâm nhập mặn qua các cửa sông, mạch nước ngầm; xói lở bờ biển gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong khi đó, các hoạt động có sử dụng đất BBVB, đất có MNVB còn thiếu định hướng quy hoạch, có nơi làm suy giảm hệ sinh thái, xâm phạm vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, gây sạt lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch vùng cửa sông ven biển, ô nhiễm môi trường… nhất là những nơi bị tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo ThS. Cao Minh Xuyến - KTNN khu vực XII, kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy, công tác tổ chức quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương còn nhiều bất cập: Diện tích đất BBVB, đất có MNVB nhiều địa phương chưa được đo đạc, xác định diện tích ranh giới trên bản đồ địa chính; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương ven biển chưa thể hiện đất BBVB, đất có MNVB; Công tác giao đất, cho thuê đất còn thiếu thống nhất giữa các địa phương, đến nay mới có gần 50% diện tích đất BBVB, đất có MNVB sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng đất BBVB, đất có MNVB chưa được các địa phương thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa tuân thủ nguyên tắc, trình tự thủ tục theo quy định, chưa thực hiện việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công khai Báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình; công tác đánh giá dự báo chưa sát thực tiễn và chưa bảo đảm khả năng cân đối nguồn lực thực hiện. Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không đảm bảo điều kiện, căn cứ và thẩm quyền; xảy ra tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sau khi đã giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Thực hiện kiểm toán chuyên sâu
Việc sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào các mục đích phi nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó nhiều nhất là sử dụng làm đất khu công nghiệp, giao thông, thương mại, dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, đây là vùng đất có quy mô diện tích, ranh giới chưa được hoạch định rõ ràng, vì vậy việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm toán đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB là rất cần thiết. Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra các hạn chế để kiến nghị với địa phương chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.
Theo nghiên cứu “Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp” của nhóm tác giả ThS. Cao Minh Xuyến và ThS. Đào Trọng Khánh, để phát huy vai trò của công tác kiểm tra, kiểm toán, KTNN cần xây dựng đề cương kiểm toán về việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp một cách chi tiết, bao quát được các nội dung kiểm toán. Trong đó, nội dung kiểm toán chi tiết tại các cơ quan quản lý đất đai, cơ quan tài chính, kiểm toán các đối tượng được giao sử dụng và quản lý đất BBVB, đất có MNVB cần xác định trọng yếu kiểm toán gồm: Việc giao đất BBVB, đất có MNVB, cho thuê đất và phê duyệt; công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; việc xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan chức năng; công tác quản lý thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai của địa phương; việc sử dụng đất BBVB, đất có MNVB của các chủ đầu tư; công tác miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Các nội dung kiểm toán cụ thể bao gồm: Kiểm toán việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc giao đất và phê duyệt dự án; việc tuân thủ về quy hoạch của dự án (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; quy hoạch về hạ tầng, môi trường...); Kiểm toán thu tiền sử dụng đất (diện tích đất phải thu tiền sử dụng đất, đơn giá đất làm căn cứ xác định thu tiền sử dụng đất, việc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, kiểm toán việc tiền bồi thường đất, hỗ trợ đất, giá trị quyền sử dụng đất được giao, do nhận chuyển nhượng được trừ vào tiền thuê đất, kiểm toán việc miễn giảm tiền sử dụng đất).
Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm toán cần hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong quản lý, sử dụng đất BBVB và đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp; đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tuân thủ pháp luật; đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của việc sử dụng đất ven biển, góp phần cải thiện chính sách, cơ chế quản lý tài nguyên đất ven biển.
KTNN có thể thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên sâu như: Kiểm toán quy hoạch và cấp phép sử dụng đất ven biển nhằm đánh giá tính hợp lý, minh bạch và tuân thủ quy hoạch trong việc phân bổ và sử dụng đất ven biển vào mục đích phi nông nghiệp; Kiểm toán hiệu quả kinh tế - xã hội để xem xét tính hiệu quả thực tế của các dự án sử dụng đất ven biển so với mục tiêu đề ra, đặc biệt về đóng góp kinh tế, tạo việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng; Kiểm toán tác động môi trường để đánh giá mức độ tác động tiêu cực của việc sử dụng đất đối với hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn và các khu vực bảo tồn./.