Tích hợp tiêu chí ESG vào kiểm toán doanh nghiệp
Kiểm toán - Ngày đăng : 09:15, 10/01/2025
Tích hợp ESG trong kiểm toán
ESG thường được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng. Để thực hiện ESG, DN cần đáp ứng 3 trọng tâm chính: môi trường, xã hội và quản trị DN. Thực tế cho thấy, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để tích hợp ESG trong kiểm toán DN. Điều này phụ thuộc vào chiến lược, quan điểm, nhận thức của nhà quản trị DN.
Một số cách tích hợp điển hình của ESG trong kiểm toán như: Kiểm toán ESG dựa trên rủi ro bao gồm việc tích hợp các cân nhắc về ESG vào quy trình kiểm toán dựa trên hồ sơ rủi ro và tính chất quan trọng của chúng. Phương pháp này ưu tiên các lĩnh vực có rủi ro hoặc tầm quan trọng ESG cao hơn, cho phép kiểm toán viên (KTV) tập trung vào các vấn đề có thể tác động đáng kể đến hiệu suất phát triển bền vững của tổ chức. Theo nghiên cứu “Tích hợp các tiêu chí về ESG trong kiểm toán DN: Quyết định đa tiêu chí” của Elias Ojetunde và cộng sự (2024), kiểm toán ESG dựa trên rủi ro là phương pháp hiệu quả nhất để tích hợp các cân nhắc quan trọng về tính bền vững vào các quy trình đảm bảo;
Kiểm toán gắn liên với ứng dụng công nghệ - tận dụng các công cụ như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối để nâng cao hiệu quả và hiệu suất tích hợp ESG trong kiểm toán DN. Các công nghệ này cho phép thu thập, phân tích và giám sát dữ liệu ESG, giúp KTV có thông tin chi tiết theo thời gian thực và cải thiện quy trình kiểm toán tổng thể;
Kiểm toán dựa trên hiệu suất chuyển trọng tâm từ đánh giá dựa trên sự tuân thủ sang đánh giá tác động và hiệu quả của các sáng kiến ESG của tổ chức. Phương pháp này xem xét các kết quả và thành quả của các hoạt động ESG, cung cấp hiểu biết toàn diện hơn về hiệu suất phát triển bền vững của tổ chức;
Giám sát và báo cáo liên tục bao gồm việc triển khai các hệ thống cho phép theo dõi liên tục theo thời gian thực hiệu suất ESG. Phương pháp này đảm bảo rằng dữ liệu ESG được cập nhật thường xuyên, báo cáo kịp thời và xác định các xu hướng hoặc lĩnh vực cần chú ý, từ đó thúc đẩy một cách tiếp cận năng động và chủ động để tích hợp ESG;
Kiểm toán sự tham gia của các bên liên quan: xem xét quan điểm và mối quan tâm của nhiều bên liên quan khác nhau, bao gồm nhân viên, khách hàng và cộng đồng địa phương, trong việc định hình các chiến lược và quy trình kiểm toán ESG.
Tiêu chí kiểm toán khi tích hợp ESG vào kiểm toán doanh nghiệp
Song hành với hệ thống các tiêu chí về ESG thì các tiêu chí về hiệu quả cuộc kiểm toán cũng rất quan trọng. Tiêu chí hiệu quả kiểm toán bao gồm một số yếu tố chính: Tính trọng yếu, chi phí, khả thi, độ tin cậy của dữ liệu và mức độ đảm bảo. Tiêu chí về sự tham gia của các bên liên quan bao gồm sự hiểu biết về các ưu tiên của nhà đầu tư, các mối nguy về danh tiếng và mối quan tâm của các nhà hoạt động. Tiêu chí phân bổ chi phí và nguồn lực liên quan đến các hạn chế do giới hạn ngân sách, yêu cầu về lực lượng lao động, nhu cầu về công nghệ và việc theo đuổi mục tiêu tối ưu hóa giá trị áp đặt.
Việc ưu tiên các vấn đề ESG trong kế hoạch kiểm toán phụ thuộc vào tầm quan trọng tương đối của các tiêu chí này. Theo nghiên cứu “Trách nhiệm ESG từ góc nhìn KTV” của J. Lee và cộng sự (năm 2022), việc xác định các rủi ro đóng vai trò là yếu tố hướng dẫn trong việc xác định các lĩnh vực trọng tâm cho một cuộc kiểm toán. Như vậy, khi tích hợp ESG trong kiểm toán DN cần có sự tích hợp tiêu chí đánh giá về ESG và tiêu chí hiệu quả kiểm toán, cụ thể:
Nhóm tiêu chí về môi trường: Đo tổng lượng khí nhà kính phát thải trong các hoạt động của tổ chức; Đánh giá mức độ hiệu quả của một tổ chức sử dụng các nguồn năng lượng trong hoạt động của mình; Đánh giá mức tiêu thụ tài nguyên nước của tổ chức và các nỗ lực hướng tới sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; Kiểm tra các hoạt động liên quan đến giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải; Phân tích tác động của tổ chức đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại địa phương.
Nhóm tiêu chí về xã hội: Đo lường sự đa dạng trong lực lượng lao động (giới tính, dân tộc, nhân khẩu học) và các nỗ lực thúc đẩy tính hòa nhập; Đánh giá các thực hành lao động công bằng, tuân thủ các tiêu chuẩn về quyền con người và các nỗ lực đảm bảo nơi làm việc an toàn; Đánh giá các chương trình và chính sách hỗ trợ sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi chung của nhân viên; Kiểm tra sự tham gia của tổ chức trong hoạt động từ thiện và các sáng kiến xã hội; Phân tích cách các sản phẩm hoặc dịch vụ của tổ chức đóng góp vào phúc lợi và giải quyết các nhu cầu của xã hội.
Nhóm tiêu chí về quản trị: Đánh giá thành phần và cơ cấu của hội đồng quản trị của tổ chức, xem xét tính đa dạng và tính độc lập; Đánh giá tính công bằng, minh bạch và sự phù hợp của phúc lợi của giám đốc điều hành với hiệu suất của tổ chức; Kiểm tra tính minh bạch trong báo cáo tài chính; Phân tích các chính sách và biện pháp hiện có để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng tham nhũng; Đánh giá việc bảo vệ và trao quyền cho các cổ đông.
Nhóm tiêu chí về hiệu quả kiểm toán: Đánh giá độ tin cậy và chính xác của báo cáo tài chính, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán; Đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn của ngành và quy định có liên quan trong quy trình kiểm toán; Kiểm tra tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ; Phân tích các chiến lược của tổ chức để xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro.
Nhóm tiêu chí về sự tham gia các bên liên quan: Đánh giá mức độ sâu sắc và tần suất tham gia của tổ chức với các bên liên quan khác nhau, bao gồm khách hàng, nhân viên và cộng đồng; Đánh giá khả năng giải quyết và phản hồi các mối quan tâm và phản hồi của các bên liên quan; Phân tích hiệu quả của các kênh phản hồi và chiến lược giao tiếp với các bên liên quan.
Nhóm tiêu chí về phân bổ nguồn lực: Đánh giá hiệu quả tài chính của việc tích hợp tiêu chí ESG vào quy trình kiểm toán; Đánh giá con người và công nghệ cần cho trọng tâm kiểm toán về ESG. Khung tiêu chí trên được các kiểm toán viên tham chiếu và vận dụng linh hoạt trong từng tình huống thực tế tại đơn vị được kiểm toán./.