Chính sách tài khóa và vai trò của Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán - Ngày đăng : 06:23, 16/01/2025
Tuy nhiên, dù là với thể chế nhà nước nào thì các quốc gia đều quan tâm đặc biệt tới CSTK và đều coi tài khóa là vấn đề cốt lõi, là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Thậm chí, Điều 83, Hiến pháp của Australia còn quy định: “Không để một đồng nào được lọt ra khỏi ngân khố quốc gia một khi chưa được phân bổ theo đúng luật”. Vì vậy, các quốc gia đều yêu cầu duy trì một chính phủ trung thực, biết cách sử dụng ngân sách quốc gia (tiền thuế do dân đóng góp) hiệu quả nhất. Quy trình ngân sách nhà nước (NSNN) và CSTK ở các quốc gia cơ bản là giống nhau, nhưng có thể phân chia các giai đoạn khác nhau và nội hàm các giai đoạn có thể không hoàn toàn giống nhau, trong đó KTNN (các nước còn gọi là Kiểm toán tối cao, Tòa án thẩm kế, Tài khoản công…) có vai trò trong hầu hết các giai đoạn, các bước công việc của quy trình NSNN (quy trình tài khóa, CSTK).
Từ thực tế các nước, từ hoạt động của Nghị viện, của cơ quan kiểm toán các nước có thể rút một số bài học cho Việt Nam về vai trò của KTNN trong xây dựng và điều hành CSTK.
Một là, cần thống nhất nhận thức tài khóa và CSTK có vai trò quan trọng trong nền tài chính quốc gia, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của Nhà nước, Chính phủ. CSTK phải công khai, minh bạch, bền vững. Ở nhiều quốc gia, dự toán NSNN, CSTK sau khi được Nghị viện phê chuẩn sẽ trở thành Luật, gọi là Luật Ngân sách hằng năm (Luật Ngân sách thường niên). Điều đó đặt ra yêu cầu bắt buộc tuân thủ (có tính pháp lệnh), hạn chế tối đa (thậm chí) tuyệt đối việc điều chỉnh, bổ sung. Nếu điều chỉnh, bổ sung cũng phải bằng Luật. Đây cũng là bài học cho Việt Nam để tạo lập sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức, về cách làm.
Hai là, rất nhiều nước nâng cao vai trò của cơ quan lập pháp (Quốc hội/Nghị viện) trong thiết lập CSTK, thiết lập ngân sách và luôn đòi hỏi cơ quan lập pháp cũng cần phải có trách nhiệm, bảo đảm các quyết định ngân sách thống nhất với quản lý tài khóa. Để đạt được yêu cầu này rất cần sự phục vụ và hỗ trợ của KTNN ở tất cả các khâu, các giai đoạn trong quy trình NSNN, quy trình hoạch định và điều hành CSTK. Các đại biểu nghị viện được bầu lên để đại diện cho lợi ích của người dân, họ thuộc các giai tầng xã hội khác nhau, có thể tham gia vào quy trình NSNN với mức độ khác nhau, họ rất cần sự hỗ trợ mang tính chuyên môn sâu từ KTNN. Nhiều quốc gia thành lập Ủy ban Kiểm toán trong cơ quan lập pháp để hỗ trợ KTNN, hỗ trợ các nghị viện sử dụng các kết quả kiểm toán khi thực hiện chức năng của mình.
Ba là, nhìn chung, cơ quan thực hiện chức năng kiểm toán ở một số nước trên thế giới đều được thành lập bởi cơ quan lập pháp (Nghị viện, Quốc hội). Do vậy, các hoạt động của cơ quan kiểm toán độc lập cao, chỉ tuân thủ luật pháp, không chịu sự ràng buộc hay phụ thuộc vào các cơ quan hành pháp. Cơ chế này giúp đảm bảo tính hiệu quả trong công tác kiểm toán. KTNN Việt Nam do Quốc hội thành lập, cũng được quy định hoạt động độc lập, chỉ tuân theo luật pháp.
Bốn là, bên cạnh tính độc lập trong nguyên tắc hoạt động, cơ quan kiểm toán các nước thường có thêm nguyên tắc hoạt động khác nhằm nâng cao tính hiệu quả và ràng buộc trong hoạt động kiểm toán. Ví dụ, ở Ai Cập, nguyên tắc hoạt động của ACA - Cơ quan giám sát hành chính (Administrative Control Agency) là độc lập, thống nhất, tập trung, lấy phòng ngừa và răn đe là chính; chủ động và tự chịu trách nhiệm trong quá trình kiểm toán. Việc quy định các nguyên tắc hoạt động cơ bản này cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Năm là, trong quá trình kiểm toán CSTK, kiểm toán NSNN, cơ quan kiểm toán ở một số quốc gia có thêm chức năng phối hợp cùng thanh tra và có thêm quyền truy tố, điều tra ban đầu đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng công quỹ, vi phạm Luật NSNN, đồng thời, KTNN, thậm chí kiểm toán viên nhà nước có quyền xử lí hành chính và yêu cầu xử lý về tư pháp. Đây cũng là vấn đề đáng bàn, liệu rằng việc trao thêm thẩm quyền này cho cơ quan kiểm toán có đem lại hiệu quả thực sự hay dẫn đến sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp, thanh tra, kiểm tra trong bộ máy của nhà nước.
Sáu là, cơ quan kiểm toán của một số nước như Australia. Ai Cập, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc... có quy trình xem xét, đánh giá tương đối cụ thể, rõ ràng, giản lược trong quy trình CSTK và NSNN. Hoạt động kiểm toán không chỉ mang tính một chiều từ phía cơ quan kiểm toán mà các đối tượng được kiểm toán cũng có thể tự chủ động trong quá trình xây dựng và điều hành CSTK thông qua các hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và thông báo kết quả kiểm toán nội bộ đến cơ quan kiểm toán tối cao (như Ai Cập). Bên cạnh đó, đối tượng được kiểm toán có quyền yêu cầu kiểm toán lại bởi cơ quan kiểm toán ban đầu hoặc cơ quan kiểm toán cao hơn. Còn đối với kiểm toán viên nhà nước ở một số quốc gia có quyền chủ động tiến hành kiểm toán theo kế hoạch không cần thành lập đoàn kiểm toán. Cơ chế này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho cơ quan kiểm toán mà còn đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng được kiểm toán, nhưng rất cần các quy chế về trách nhiệm, quyền cũng như thủ tục và các chế tài chặt chẽ.
Bảy là, kinh nghiệm các nước cho thấy, để nâng cao vai trò, vị thế của KTNN trong hoạch định và điều hành CSTK cần quan tâm nâng cao năng lực, phẩm chất, năng lực chuyên môn và đặc biệt là bản lĩnh của kiểm toán viên, của cơ quan KTNN. Trước hết, cần nâng cao năng lực phân tích kinh tế, phân tích tài chính, phân tích NSNN cho kiểm toán viên nhà nước. Tài khóa và CSTK không thuần túy là thu, chi ngân sách, là thâm hụt hay kết dư mà là vấn đề mang tính chính trị, mang tính kinh tế vĩ mô, vì vậy, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng tổng hợp cho kiểm toán viên, trong đó có kỹ năng phân tích và đánh giá CSTK./.