Nâng "lượng và chất" kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:24, 16/01/2025

(BKTO) - Thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN), Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, KTNN đã và đang tăng cường triển khai kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, trong đó có ngân sách địa phương (NSĐP). Với yêu cầu đặt ra ngày càng cao về chất lượng kiểm toán đòi hỏi các đơn vị kiểm toán cần nỗ lực hơn nữa trong tổ chức triển khai kiểm toán nội dung này.
5.jpg
Tăng cường số lượng, đi đôi với nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Ảnh: TL

Đảm bảo mục tiêu trọng tâm, chú trọng kiểm toán tổng hợp

Chú trọng việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, thời gian qua, KTNN đã tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán. Thông qua kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện quan trọng. Điển hình như qua kết quả tổng hợp kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023, KTNN chỉ ra tình trạng một số địa phương giao dự toán chậm so với quy định; giao dự toán chi cao hơn dự toán thu nhưng không điều chỉnh dự toán kịp thời dẫn đến mất cân đối ngân sách; điều chỉnh dự toán chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Nhiều địa phương chưa phân bổ và giao dự toán hết cho đơn vị ngay từ đầu năm; giao dự toán không có trong tiêu chí, định mức phân bổ dự toán hoặc vượt định mức chi thường xuyên của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh; giao dự toán chi cho đơn vị thụ hưởng không tuân thủ dự toán đã được HĐND quyết nghị; giao dự toán hỗ trợ hoạt động cho các hội chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền giao…

Bên cạnh đó, một số địa phương bố trí dự toán chưa xem xét đến việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; giao kinh phí ngoài chỉ tiêu biên chế được duyệt; giao dự toán và ký hợp đồng đối với số lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ… “Kết quả kiểm toán đã cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Ủy ban nhân dân (UBND), HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý, điều hành, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đặc biệt cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho HĐND thực hiện phê chuẩn quyết toán NSĐP theo quy định của Luật KTNN” - lãnh đạo Vụ Tổng hợp KTNN cho biết.

Để đạt được những kết quả nêu trên, các đơn vị kiểm toán đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ khâu khảo sát, xây dựng kế hoạch kiểm toán. Lưu ý những nội dung trọng tâm trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, KTNN khu vực XII - cho rằng, trong thu ngân sách nhà nước, đoàn kiểm toán cần chú trọng đánh giá việc kê khai thuế của doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế đối với người nộp thuế; công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của cơ quan thuế… Khi kiểm toán tại cơ quan đầu tư và các chủ đầu tư, đoàn kiểm toán cần tập trung đánh giá việc lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; công tác ứng trước dự toán và thu hồi vốn ứng trước; việc bố trí tiền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết để xây dựng nông thôn mới; công tác đấu thầu, quản lý chi phí đầu tư, chất lượng công trình; tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư của các chủ đầu tư…

Một nội dung quan trọng được các đơn vị kiểm toán lưu ý khi tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, đó là thông qua kiểm toán việc lập báo cáo tài chính, KTNN cần làm rõ khả năng đảm bảo lành mạnh, bền vững, cân đối giữa nguồn hiện có với nợ phải trả của nền tài chính địa phương, tránh tình trạng NSĐP mất khả năng cân đối nguồn. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm toán các đơn vị dự toán cấp 1 của ngân sách tỉnh có quản lý, sử dụng nguồn kinh phí không tự chủ lớn để kịp thời phát hiện các vi phạm như: sử dụng sai nguồn, sai chế độ, định mức…

Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN cơ bản giữ ổn định về số nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm trước; tăng hằng năm các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán NSĐP. Năm 2022, KTNN đã kiểm toán quyết toán NSĐP đạt 80% số đầu mối; năm 2023 đạt 83% số đầu mối; năm 2024, tỷ lệ này đạt 85% và theo Kế hoạch kiểm toán năm 2025 là 90% số đầu mối.

Nhân sự đoàn kiểm toán - yếu tố then chốt quyết định kết quả kiểm toán

Kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP được đánh giá nội dung kiểm toán khó, đòi hỏi tính tổng hợp cao. Trong điều kiện thời gian kiểm toán tương đối hạn hẹp so với khối lượng công việc phải thực hiện, số lượng nhân sự tham gia hạn chế đòi hỏi đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán phải lựa chọn những nhân sự phù hợp với đặc thù cuộc kiểm toán; đồng thời chú trọng tập huấn về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm toán viên trước khi tổ chức kiểm toán…

Theo lãnh đạo KTNN khu vực II, xác định nguồn nhân lực kiểm toán đóng vai trò quyết định đến kết quả của cuộc kiểm toán, trên cơ sở nhiệm vụ kiểm toán được giao, đơn vị đã triển khai công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, các đề cương kiểm toán và phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến chủ đề kiểm toán cho các thành viên tham gia kiểm toán. Nhờ đó, “các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP được triển khai thuận lợi, đảm bảo đầy đủ các mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán theo quy định” - Kiểm toán trưởng Dương Quang Chính cho hay.

Là đơn vị có nhiều cuộc kiểm toán quyết toán NSĐP đạt kết quả xuất sắc, đại diện lãnh đạo KTNN khu vực VI cho biết, để tổ chức thành công cuộc kiểm toán, ngay từ sớm, đơn vị đã tổ chức thành lập các đoàn khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, bố trí nhân sự các đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định. Trong đó, đơn vị luôn chú trọng bố trí nhân sự tham gia đoàn kiểm toán là các kiểm toán viên có kinh nghiệm trong kiểm toán NSĐP để tổ chức thực hiện kiểm toán đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra. “Với cuộc kiểm toán có tính tổng hợp cao, nhiều nội dung như kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, các đơn vị cần bố trí nhân sự là những kiểm toán viên có kinh nghiệm kiểm toán tổng hợp tham gia kiểm toán” - đại diện KTNN khu vực VI chia sẻ.

Xác định kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, về lâu dài, các đơn vị kiểm toán đề nghị KTNN tăng cường công tác đào tạo cho kiểm toán viên về phương pháp tiếp cận kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán tổng hợp; đào tạo về phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, từ đó giúp kiểm toán viên xác định đúng trọng tâm cần kiểm toán. Đặc biệt, trong bối cảnh các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành đòi hỏi các kiểm toán viên phải nâng cao trình độ công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán để nâng cao khả năng phát hiện vi phạm và có kiến nghị phù hợp, xác đáng, đảm bảo bằng chứng kiểm toán./.

NHÓM PHÓNG VIÊN