Thái Nguyên: Nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn xanh
Địa phương - Ngày đăng : 09:50, 21/01/2025
Tín dụng xanh được triển khai trên địa bàn tỉnh ngay từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Tính đến hết tháng 12-2024, trên địa bàn tỉnh có 6 chi nhánh ngân hàng báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh (với 13 khách hàng), tổng dư nợ tín dụng xanh đạt gần 270 tỷ đồng, chiếm 0,24% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Các gói tín dụng xanh được cấp chủ yếu cho 6 lĩnh vực, gồm: Nông nghiệp xanh (chiếm 49,5%); năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (33,2%); xử lý chất thải và phòng, chống ô nhiễm (14,4%); tái chế, tái sử dụng các tài nguyên (1,67%); lâm nghiệp bền vững (0,8%); giao thông bền vững (0,33%)…
Một trong những doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh trên địa bàn tỉnh là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Các dự án: TNG Võ Nhai, TNG Đồng Hỷ, TNG Sơn Cẩm là những ví dụ tiêu biểu cho việc hướng tới sự phát triển bền vững, toàn diện trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội và môi trường.
Nhà máy phụ trợ Sông Công của TNG đã được chứng nhận Lotus Bạc, còn Nhà máy xanh Võ Nhai đạt tiêu chuẩn LEED. Điểm đặc biệt của các nhà máy là sử dụng các phần mềm mô phỏng tính toán hiện đại trong thiết kế để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng; lựa chọn các loại vật liệu phù hợp, hiệu quả và thân thiện với môi trường; lắp đặt hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, tân tiến của công trình xanh... Từ đó vừa bảo đảm tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và Formaldehyde thấp để bảo đảm sức khỏe người lao động.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng không sử dụng lò hơi đốt than mà thay thế bằng lò điện để giảm phát thải CO2 mỗi năm, xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế cho hoạt động sản xuất…
Còn tại Công ty CP Nam Việt, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh giúp đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, mua nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh. Nhờ đó, sản phẩm thức ăn chăn nuôi được sản xuất ra đều đạt chất lượng cao, ổn định, đáp ứng lòng tin của khách hàng.
Về hiệu quả của các dự án được cấp nguồn vốn tín dụng xanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đây là các dự án thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Không những vậy, các dự án này còn góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Việc phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững thông qua tín dụng xanh sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu chi phí sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.
Mặc dù có nhiều điểm ưu việt, song tăng trưởng tín dụng xanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn khá thấp. Dư nợ tín dụng xanh mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,24% tổng dư nợ trên địa bàn. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nhiều nguồn tín dụng này, trong khi dư địa để phát triển tín dụng xanh còn khá lớn.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Thái Nguyên, cho biết: Không ít đơn vị có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư dự án xanh, nâng cấp các thiết bị công nghệ để chuyển đổi xanh, nhưng bị “kìm chân” vì khó tiếp cận vốn “xanh”.
Theo chia sẻ của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh (như MB, BIDV, Viettinbank…), hiện nay hệ thống khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh vẫn đang hoàn thiện, chưa có các quy định về khái niệm, về tiêu chuẩn các ngành, lĩnh vực xanh được vay nên các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc xác định, phân loại dự án để cấp tín dụng xanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các ngân hàng; phối hợp với các tổ chức, ban, ngành để xác định được các tiêu chí, định mức cho các dự án xanh nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng...