Tuyên Quang thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo đà bứt phá trong năm 2025
Địa phương - Ngày đăng : 09:51, 21/01/2025
Tín hiệu tích cực
Theo thông tin từ Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2024, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 170 triệu USD, tăng 13,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng ghi nhận sự tăng trưởng, đạt 38.925,4 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 375 ha. Trong đó, 5 cụm công nghiệp gồm: Khuôn Phươn, An Thịnh, Tân Thành, Phúc Ứng và Ninh Lai - Thiện Kế đã được UBND cấp huyện quy hoạch chi tiết trên diện tích 317,2 ha. Cụm công nghiệp Thắng Quân có diện tích 28/58,1 ha đã hoàn thành quy hoạch. Tính đến nay, 29 dự án đầu tư đã được thu hút vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó, 19 dự án đã đi vào hoạt động, sử dụng 119,26 ha đất theo chủ trương đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp 47%, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động địa phương.
Đáng chú ý, tỉnh đã thu hút 17 dự án FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 119 triệu USD (tương đương 2.777 tỷ đồng).
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty cổ phần Giấy An Hòa, trong năm 2024, công ty đã sản xuất và tiêu thụ trên 340 nghìn tấn giấy và bột giấy, đạt doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng. Lợi nhuận vượt 12% so với kế hoạch, đóng góp ngân sách Nhà nước vượt 4%, và thu nhập của người lao động tăng 13%. Bước vào năm 2025, doanh nghiệp xác định sẽ đối mặt với nhiều thách thức và đã đề ra các giải pháp ngay từ đầu năm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng sản lượng doanh thu. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất đã được "bắt nhịp" ngay từ những ngày đầu năm
Đẩy mạnh ưu tiên phát triển
Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 27.700 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2024. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,9%.
Theo ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương, để đạt được các mục tiêu này, Sở sẽ tập trung triển khai quy hoạch và các chính sách phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, Sở sẽ thường xuyên theo dõi, phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư và thu hút phát triển các ngành chế biến nông, lâm, thủy sản.Công tác kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp sẽ tiếp tục được chú trọng.
Ngoài ra, Sở sẽ triển khai các hoạt động khuyến công theo chương trình giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ tư vấn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn về lập dự án đầu tư, phát triển kinh doanh, lựa chọn dây chuyền công nghệ phù hợp. Các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn dự kiến có sản phẩm trong năm 2025, như dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang của Công ty TNHH Erex Sakura Biomass Tuyên Quang. Dự án Nhà máy sản xuất vải bạt Tarpulin tại Khu công nghiệp Long Bình An của Công ty Joyung Ind.corp.LTD.
Với sự chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm của các doanh nghiệp, cùng các giải pháp cụ thể từ ngành Công Thương, kỳ vọng năm 2025 sẽ là năm sản xuất kinh doanh thuận lợi, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra.