Trung ương sắp họp bàn phương án tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
Chính trị - Ngày đăng : 20:21, 21/01/2025
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tổng kết sớm Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và có một số điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban với 100% Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xác định đây là cuộc cách mạng và phải thực hiện đồng bộ cả công tác chính trị tư tưởng, cán bộ và vận động, thuyết phục kết hợp với thực hiện chính sách vượt trội, với quyết tâm chính trị rất cao.
Đồng thời, Trung ương gương mẫu làm trước, địa phương hưởng ứng làm theo, “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, đối diện với thực tiễn, giải quyết tất cả vướng mắc để thực hiện mục tiêu đề ra. Điều đó đã tạo sự đồng thuận rất cao trong Đảng, nhân dân và dư luận quốc tế cũng ủng hộ, có nhiều ý kiến bày tỏ rất tốt.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất rất cao trình Ban Chấp hành Trung ương về nội dung này. Dự kiến, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào ngày 23 và 24/01/2025.
Theo đó, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về phương án đối với các ban Đảng. Trong đó, sẽ kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển giao một phần về Bộ Ngoại giao, một phần về Văn phòng Trung ương Đảng.
Hợp nhất Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo - Dân vận; đồng thời đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Nghiên cứu chính sách chiến lược của Đảng.
Hợp nhất nhiều ủy ban, bộ ngành, kết thúc hoạt động của tất cả tổng cục.
Khối Quốc hội, phương án trình Trung ương là kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, phần đối ngoại liên quan đến các nhiệm vụ quốc tế sẽ gắn với Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Còn lại một phần công tác đối ngoại chuyển về Bộ Ngoại giao.
Cùng với đó, sẽ thành lập Cục Lễ tân Nhà nước. Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam nếu như có nhu cầu sẽ do Cục này thực hiện.
Ngoài ra, khối Quốc hội sẽ hợp nhất Ủy ban Kinh tế với Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Ủy ban Xã hội với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Pháp luật với Ủy ban Tư pháp.
Đồng thời, chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên thành 2 ủy ban trực thuộc Quốc hội gồm: Ủy Ban Công tác đại biểu, Ủy Ban Dân nguyện và giám sát.
Khối Quốc hội cũng đã kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Đài Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Với Chính phủ, đến nay, phương án đã duyệt để trình với Trung ương là hợp nhất một số bộ, ngành.
Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, lấy tên Bộ Tài chính; hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông lấy tên là Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời chuyển một phần nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài ra, hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ lấy tên là Bộ Nội vụ, một phần nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến tên gọi sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Cùng với đó là kết thúc hoạt động của tất cả tổng cục, chỉ còn cục.
Đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, sẽ kết thúc hoạt động Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cùng 10 Đảng đoàn khác. Thay vào đó là sẽ thành lập Đảng ủy MTTQ và Đoàn thể Trung ương, dự kiến có 30 đầu mối. Điều này làm mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và 30 hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ theo mối quan hệ dọc. Đảng ủy MTTQ và Đoàn thể Trung ương do Chủ tịch MTTQ Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy.
Đồng thời, thành lập Đảng ủy Quốc hội bao gồm các Cơ quan thuộc Quốc hội, Viện Kiểm sát, Tòa án, dự kiến Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư Đảng ủy.
Thành lập Đảng ủy Chính phủ với 200.000 đảng viên do Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư Đảng ủy.
Thành lập Đảng ủy cơ quan Đảng dự kiến do Thường trực Ban Bí thư làm Bí thư Đảng ủy, Bí thư Trung ương Đảng làm Phó Bí thư Đảng ủy.
Địa phương cũng sẽ có 2 Đảng ủy gồm: Đảng ủy cơ quan Đảng, Đoàn thể và Đảng ủy cơ quan chính quyền.
Riêng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gương mẫu giảm từ 16 đầu mối xuống còn 8 đầu mối./.