Vĩnh Phúc tập trung thu hút làn sóng đầu tư chiến lược
Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 23/01/2025
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 503 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 482 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất, lắp ráp điện, điện tử và các sản phẩm công nghiệp khác.
Năm 2024, tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 13.000 triệu USD, tăng 11%; giá trị xuất khẩu đạt 13.500 triệu USD, tăng 36%; nộp ngân sách Nhà nước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2023. Các dự án DDI đạt doanh thu khoảng 15.940 tỷ đồng, tăng 4%; giá trị xuất khẩu đạt 1.950 tỷ đồng, tăng 83%; nộp ngân sách Nhà nước 370 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các ngành, lĩnh vực, công nghiệp điện tử luôn giữ được đà phát triển, với doanh thu tăng 16%, tiêu biểu như: Công ty TNHH Partron vina tăng 26%; Công ty TNHH Jahwa tăng 9%; Công ty TNHH DKT tăng 40%; Công ty TNHH Amo vina tăng 76%; Công ty TNHH BH Flex; Công ty TNHH Minh Đức tăng 114%...Đặc biệt, do các doanh nghiệp điện tử có đơn hàng và thị trường ổn định nên các chỉ tiêu kinh tế đều có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của toàn khu công nghiệp.
Ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh Vĩnh Phúc với mức tăng 17,92%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng sản phi kim loại tăng 5,98%; ngành sản xuất kim loại tăng 19,61% so với cùng kỳ năm 2023…
Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, với sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể như, Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ có mức tăng trưởng 51%; Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức tăng 5%. Riêng lĩnh vực công nghiệp phụ tùng ô tô, xe máy giữ được ổn định so với năm 2023.
Năm 2025, các khu công nghiệp tỉnh phấn đấu thu hút từ 20 - 25 dự án FDI, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn từ 450 - 500 triệu USD; từ 10 - 12 dự án DDI, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn từ 1.500 - 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, có thêm khoảng 30 - 35 dự án đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh; vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 400 - 450 triệu USD và vốn thực hiện của các dự án DDI đạt khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu “Lấy phát triển công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế”; phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển - một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước gắn với phát triển bền vững; khai thác hiệu quả vị trí, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 13,5 - 14%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ trọng kinh tế công nghiệp tiếp tục được nâng cao.
Phấn đấu đến năm 2030, GRDP ngành công nghiệp đạt 120.000 tỷ đồng, chiếm 54,2% GRDP toàn tỉnh. Trung bình mỗi năm thu hút thêm 20 - 25 dự án FDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 300 - 400 triệu USD; 10 - 12 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 500 - 700 tỷ đồng/năm. Trước mắt, năm 2025, có thêm 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động gồm: Khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 156,76 ha; Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1) quy mô 145,27ha; Khu công nghiệp Sông Lô II quy mô 165,65ha…
Để hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực lợi thế như: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; công nghệ cao…
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển hạ tầng theo hướng xanh, thông minh, tạo quỹ đất sạch để đón làn sóng đầu tư. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược hiện hành, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung thu hút làn sóng đầu tư chiến lược mới thông qua việc lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư; tổ chức các diễn đàn nhằm phát triển khu công nghiệp đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững…